Mới chỉ là khẩu hiệu

09/08/2017 05:50 GMT+7

Một công bố mới nhất trên tuyển tập của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ ngày 1.8.2017 về tác hại do sử dụng lưới rê, cào quét, chỉ những vệt cày xới sâu xuống đáy biển khoảng vài xăng ti mét một lần cũng đủ gây tổn hại nghiêm trọng đến tập đoàn sinh vật sống ở đáy và quần thể của chúng. Sau đó, phải mất từ gần 2 - 7 năm mới có thể khôi phục lại, và cao nhất cũng chỉ đạt tới 95% so với trạng thái khi chưa bị tác động. Đây là lời cảnh báo rõ ràng nhất cho những hoạt động gây hủy hoại đến hệ sinh thái biển nông ven bờ, và xa hơn là nguồn hải sản của chúng ta.
Còn nếu ta đổ cả triệu khối bùn cát xuống như dự kiến ở biển Hòn Cau (Bình Thuận) sẽ tạo nên lớp phủ dày và vẩn đục bùn thải trên nền biển, gây tác động tổn thương gấp hàng ngàn lần so với việc hàng trăm ghe liên tục càn quét đáy biển. Có ai trả lời được rằng nơi ta sẽ đổ bùn cát có phải là nơi một số loài cần tới để sống, hay đi qua trong vài ngày, vài giờ trong chu trình vòng đời tự nhiên của chúng? Nên không thể nói rằng các loài thủy sinh vật trong khu bảo tồn biển Hòn Cau hay ở vùng lân cận quanh đó sẽ không chịu sức ép, tác động nào của việc sẽ đổ bùn cát.
Thực tế, việc đổ vật chất nạo vét ra biển đã diễn ra lâu nay trong một số dự án ven bờ từ bắc vào nam. Đơn cử, vào tháng 11.2013, hai tàu bị phát hiện đã đổ khoảng 300 m3 bùn xuống vịnh Hạ Long. Dự án nạo vét luồng Soài Rạp lúc đầu có đổ bùn nạo vét ra biển, sau đó thì ngưng và đổ bùn thải vào các ô chứa bên bờ sông để làm nền sử dụng sau này. Việc mở luồng tàu biển theo kênh Tắt ở Trà Vinh cũng có bãi chứa ven bờ cho phần lớn bùn cát được nạo vét. Còn trước đây bùn cát nạo vét luồng Định An đều mang ra biển đổ. Ở Phú Quốc, bùn cát nạo vét luồng vào cảng được bán cho Singapore để họ đắp nền lấn biển. Dự án cải tạo luồng cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) cũng cần phải xử lý gần 40 triệu khối bùn nạo vét và phương án đổ ra biển đã được đề nghị cũng vì lý do kinh tế.
Ngược lại với việc chúng ta đang đổ bùn cát ra biển, người Đức và Hà Lan đã cùng khai thác rất nhiều cát sỏi ở đáy biển Baltic để mang về đắp đê, đắp nền. Sau đó họ phải bỏ tiền để quan trắc và cải tạo lại chất lượng môi trường trong các hố đào múc cát sỏi, gia tăng đối lưu để hạn chế quá trình yếm khí có hại cho sinh vật đáy ở quanh những nơi này. Ngày nay thì việc khai thác cát sỏi này càng bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn theo quy định của cơ quan bảo vệ môi trường châu Âu nhằm bảo vệ "tính toàn vẹn của đáy biển, đảm bảo rằng các cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái nền đáy không bị làm tổn hại". Trong quy trình hướng dẫn nạo vét và đổ bùn cát ở Mỹ rất chú trọng tới việc giám sát tính chất vật liệu nạo vét để bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sống của sinh vật đáy, các loài cá di cư ở nơi nạo vét cũng như bãi đổ.
Tư duy nạo vét và quản lý bùn cát thải cho thấy, trong khi Chính phủ coi trọng phát triển “kinh tế xanh” thì ở nhiều cấp quản lý định hướng này hình như vẫn mới chỉ là khẩu hiệu mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.