Mặt tiền sông, biển cho ai?

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
12/09/2019 04:50 GMT+7

Liên tục những năm gần đây, báo chí phản ảnh nhiều về tình trạng chặn đường xuống biển, lấn sông … Tình trạng đó có và gây bức xúc cho người dân hầu hết các tỉnh thành.

Mới đây, TP.HCM tổ chức hội thảo "Quy hoạch phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành, các giải pháp để hoàn thành cơ bản bờ kè sông Sài Gòn và kênh nội thành vào năm 2025" là động thái dù chậm nhưng vẫn còn chưa quá muộn.
VN có đường bờ biển dài 3.260 km không kể các đảo, nếu chia một cách cơ học cho 100 triệu dân thì mỗi người có 0,0326 m mặt tiền bờ biển.
Trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, có đến 28 tỉnh, thành có biển, với 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo. Nếu chỉ tính người dân trực tiếp hưởng lợi, xét về cơ học, thì mỗi người có chừng 1 m mặt tiền bờ biển.
VN hiện có 2.360 con sông dài trên 10 km, trong đó 93% là các con sông ngắn và nhỏ, chảy liên tỉnh được đưa vào danh mục quản lý của Cục Đường sông VN. Trong đó, 191 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài 6.734,6 km được xem là tuyến đường sông quốc gia.
Cũng theo cách tính như trên, sông có hai bờ thì chiều dài gấp đôi lên, bình quân mỗi người dân có 0,13468 m mặt tiền đường sông quốc gia (ấy là chưa tính sông ngắn, nhỏ và kênh rạch).
Con số đó nói lên một tiềm năng rất lớn và có thể coi là vô giá.
Hầu hết, các thành phố tỉnh lỵ được quy hoạch từ thời Pháp (và cả sau này) đều chọn vị trí có con sông chảy qua. Nó vừa đẹp về mặt thắng cảnh, vừa hữu dụng về môi trường. Khi kinh tế phát triển, chính các nơi đó lại là những địa điểm vàng hái ra tiền của các nhà đầu tư.
Và sự bất cập đã xảy ra khi cơ quan quản lý cấp phép cho từng dự án. Khi dự án mọc nhiều lên mới thấy quá nhiều bất cập. Người dân ven biển không có đường xuống biển, người dân ven sông không có đường đi lại ven sông, không có được tầm nhìn ra sông là một ví dụ.
Đó là việc thiếu đi một quy hoạch tổng thể, thiếu sự quản lý nhất quán, mạnh ai nấy chạy.
Đà Nẵng cũng đến lúc phải năm lần bảy lượt ngồi lại tìm cách mở đường xuống biển, tìm cách xử lý các dự án lấn sông do hậu quả của lãnh đạo các nhiệm kỳ trước để lại… Không chỉ gây bức xúc cho người dân mà còn thiệt hại cho doanh nghiệp. Người cấp, người thu hồi, thật chẳng giống ai. Rồi Quy Nhơn phải dời khách sạn trả mặt tiền biển cho thành phố…
Để làm, chính quyền các tỉnh thành phải có động thái quyết liệt, dừng ngay và không cấp thêm các dự án ven sông, ven biển chiếm mặt tiền sông, biển làm của riêng. Dù một số tỉnh thành đã có quy hoạch tổng thể cũng nên dừng lại xem quy hoạch đó có bị lạc hậu không.
Nói như một đại biểu tại hội thảo về vấn đề này tại TP.HCM vừa qua là: "Quy hoạch làm sao để mỗi người dân đều được hưởng lợi từ dòng sông, đừng để chỉ có người ở mặt tiền sông mới được hưởng". Đó phải là một nguyên tắc cứng đối với bờ sông, bờ biển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.