Mắc kẹt nhà thầu

09/07/2015 05:08 GMT+7

Một lãnh đạo ngành giao thông đã phải 'than' rằng biết tổng thầu EPC Trung Quốc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chây ì nhưng chủ đầu tư đành chịu trận. Sau khi khởi công, Dự án Cát Linh - Hà Đông đã dính vào hàng loạt bê bối thi công ì ạch, liên tiếp lùi tiến độ, đội vốn khủng và đặc biệt là tai nạn thi công gây chết người.

Một lãnh đạo ngành giao thông đã phải “than” rằng biết tổng thầu EPC Trung Quốc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chây ì nhưng chủ đầu tư đành chịu trận. Sau khi khởi công, Dự án Cát Linh - Hà Đông đã dính vào hàng loạt bê bối thi công ì ạch, liên tiếp lùi tiến độ, đội vốn khủng và đặc biệt là tai nạn thi công gây chết người.

Bộ GTVT cũng từng nhiều lần phản ứng gay gắt với tổng thầu EPC Trung Quốc khi chỉ rõ “bản chất thiếu năng lực, kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp”, đồng thời đưa tổng thầu này vào danh sách các nhà thầu có lịch sử xấu, không cho dự thầu trong các dự án tiếp theo của Bộ GTVT những năm tới. Nhưng ngay cả việc yêu cầu nhà thầu phải bồi thường do chậm tiến độ cũng khó thực hiện, bởi lý do chậm ngoài lỗi tổng thầu còn do lỗi “bất khả kháng” như giải phóng mặt bằng, phải dừng thi công do tai nạn… Bộ cũng chỉ có thể chấp nhận phương án tiếp tục lùi tiến độ dự án, mà không thể sử dụng biện pháp mạnh tay: thay thế tổng thầu EPC.
Theo hợp đồng vay vốn tín dụng ưu đãi ODA ký với phía nhà tài trợ của Trung Quốc, Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc được chỉ định làm tổng thầu EPC, dù công ty này chưa hề có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC trước đó. Dù làm tổng thầu, nhưng công ty này cũng không hề có vốn lưu động, toàn bộ kinh phí cho dự án lớn này phụ thuộc vào tiền thanh quyết toán (giải ngân từ vốn vay) với ban quản lý dự án đường sắt. “Ăn đong” vốn, chậm trễ thanh quyết toán cho thầu phụ, tổng thầu EPC đang nợ các nhà thầu phụ hàng trăm tỉ đồng khiến dự án bị mắc lại ở nhiều gói thầu. Trong khi đó, tổng thầu nhiều lần yêu cầu điều chỉnh tăng chi phí xây dựng, thiết bị… khiến dự án đội thêm 315 triệu USD so với tổng mức đầu tư dự kiến 552 triệu USD ban đầu.
Một lãnh đạo ngành giao thông thừa nhận hình thức tổng thầu EPC với cơ chế chìa khóa trao tay đang bộc lộ quá nhiều bất cập, khi tổng thầu được khoán trắng khiến chất lượng, giá thành dự án đều đáng lo ngại. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, dự án Cát Linh - Hà Đông cũng như nhiều dự án sử dụng vốn vay ưu đãi ODA (theo hình thức STEP) bị vướng mắc do ràng buộc phải sử dụng nhà thầu, thiết bị, công nghệ của quốc gia cho vay vốn.
Dù không phải dự án sử dụng vốn vay nào cũng đội vốn, chậm tiến độ, nhưng một hệ lụy thấy rõ là nhiều nhà thầu từ tư vấn, thiết kế, thi công dù trình độ năng lực yếu, thiếu kinh nghiệm hoặc không có khả năng tài chính nhưng vẫn có thể trúng thầu, do có ưu thế từ nước cho vay vốn. Theo một chuyên gia trong ngành, ODA là nguồn vốn vay quan trọng để đầu tư các dự án lớn, đặc biệt các dự án giao thông. Tuy nhiên, việc lựa chọn vay theo hình thức nào, xây dựng các điều khoản cam kết gì trong hợp đồng cũng như cơ chế giám sát từ chủ đầu tư càng quan trọng hơn. Để tránh những bài học “nhà thầu xấu” cũng như hệ lụy “tưởng rẻ hóa đắt”, vì xét cho cùng, đây đều là những đồng tiền đi vay mà người dân phải trả trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.