Ly rượu đắng

08/01/2020 04:32 GMT+7

Chuyện một ông ở Quảng Nam dự tiệc mừng tất niên, bị ép uống một ly rượu, rồi trên đường về bị cảnh sát giao thông phạt 17 triệu đồng vì có nồng độ cồn 0,288 mg/lít khí thở, khiến các ông ham vui, hay la cà bia rượu choáng váng.

Điều đáng nói là ông này đã không tham gia tiệc tất niên, chủ động lái xe đến đón bạn bị say về. Nhưng đến nơi, do bạn bè nài nỉ, mời ép, đã miễn cưỡng, nể nang làm một ly và hậu quả thì… “toang”, ngoài sức tưởng tượng. Không chỉ bị phạt tiền, ông “lỡ uống một ly” còn bị tước bằng lái xe 17 tháng và tạm giữ ô tô 7 ngày.
Một ly rượu nhỏ giá những 17 triệu đồng, quá đắt và quá đắng. Những người bạn của ông “lỡ uống một ly” chắc cũng không ngờ vì quý bạn, mời bạn cốc rượu, lại hại bạn đến như vậy. Trong thời điểm cả nước đang sôi sùng sục về việc ngành chức năng ra quân xử lý vi phạm về nồng độ cồn theo Nghị định số 100 thì quý nhau như thế bằng mười hại nhau.
Lâu nay nhiều người vẫn có thói quen mời mọc theo cách nhiệt tình thái quá, thậm chí cà khịa để ép nhau uống rượu, bia. Thoạt đầu vì quý bạn, vì muốn cuộc vui thêm rôm rả, nhưng về sau thì sự cưỡng ép này dần biến tướng, thành một thứ hủ tục trong thời đại văn minh. Ranh giới từ quý mến mời nhau cốc rượu đến ép nhau uống rượu nhanh chóng bị xóa nhòa. Nhiệt tình đã trở thành thô bạo.
Trở lại với chuyện ông bị phạt 17 triệu đồng vì bị ép uống một ly rượu kia, nếu ông ta cương quyết từ chối, không sợ bạn bè phật lòng, thì đã không bị phạt một cú choáng váng như vậy. Nhưng ở đời không có chữ nếu, trong khi sự cả nể luôn thường trực trong cái không khí gọi là bạn bè, thân hữu. Đó là chưa kể trong mối quan hệ thầy - trò, sếp - lính, trên - dưới, thì càng khó để chối từ những cốc rượu ba phần tình nghĩa bảy phần cưỡng ép.
Bởi vậy, đừng ép nhau uống rượu với bất cứ lý do, động cơ gì. Do cơ địa mỗi người mỗi khác nên tửu lượng cũng khác nhau. Những kẻ ép người khác uống, dù do nhiệt tình thái quá hoặc để chứng tỏ tửu lượng của mình, cũng đều xuất phát từ cái nền văn hóa kém. Người tử tế, không ai ép người khác uống cái thứ mà họ không thể dung nạp được hoặc đang không muốn uống, vì còn phải lái xe về.
Cuối năm là thời điểm dồn dập những đám cưới, chạp mả, tất niên rồi tết, tiệc tùng liên hoan liên miên. Làm sao “sống sót” qua tháng củ mật này đây nếu bạn không đủ can đảm để chối từ? Đừng ngại mất lòng bạn bè hoặc cấp trên, nếu bạn không muốn một cái tết “toang” từ bây giờ. Hoặc nếu đã uống, thì tốt nhất là không nên tự lái xe về.
Xưa, ông bà ta thường nói “Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên”, thì nay, trong những ngày thực thi Nghị định số 100, phải cải biên và cập nhật lại thành “Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép... rượu”. Thật!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.