Lời chào cao hơn mâm cỗ

17/10/2017 06:46 GMT+7

Đã hơn 2 tuần trôi qua, cái cúi chào của ông tổng giám đốc cây xăng Nhật Idemitsu Q8 đầu tiên tại VN với khách hàng vẫn là chủ đề sốt dẻo từ bàn nhậu, quán cà phê, trên các diễn đàn xã hội và cả trên các phương tiện truyền thông.

Thực tế trước đó, đã có khá nhiều những cái cúi chào kiểu Nhật tương tự ở các nhà hàng, cửa hiệu Nhật... Từ quản lý đến nhân viên (người Nhật và người Việt) đều cúi và chào lớn khi khách tới cũng như tiễn khách ra về.
Thế nhưng vẫn cái cúi chào đó "bê" ra cây xăng Nhật Idemitsu Q8 lại gây nên một cơn bão lớn cho thị trường xăng dầu nội địa. Người tiêu dùng trước giờ cũng không ít bức xúc “trạng thái độc quyền” nhưng cũng chịu bởi thị trường xăng dầu trong nước chưa mở cửa cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài.
Ngay cả DN nội, cũng chỉ có vài chục thương nhân đầu mối được phép nhập khẩu xăng dầu, trong đó Petrolimex chiếm khoảng 50% thị phần. Nói thị trường này độc quyền cũng không quá. Mà độc quyền thì làm gì có chuyện người bán cúi chào người mua. Trong bối cảnh đó, có một cây xăng ngoại, công bố bơm xăng chính xác đến 0,01 lít và khách hàng còn được trân trọng cúi chào. Không gây bão mới lạ.
Ngay sau cái cúi chào gây sốt của cây xăng Nhật, nhiều cây xăng nội đã có băng rôn kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, nhân viên một số cây xăng cũng có thái độ lịch sự, nhã nhặn hơn... Đó là dấu hiệu cho thấy các DN nội đã cảm nhận được sức nóng của cạnh tranh và nếu không thay đổi, họ sẽ bị người tiêu dùng quay lưng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất không nằm ở cái cúi chào. "Cơn khát" ở đây là văn hóa kinh doanh thể hiện qua chất lượng dịch vụ, thái độ và trách nhiệm với người tiêu dùng, với xã hội để làm nên uy tín cho một DN.
Cây xăng Nhật dù không gần trung tâm, dù mới chỉ có một và mạng lưới phân phối chắc chắn sẽ hạn chế nhưng nhiều người sẽ chẳng quản ngại đến đây đổ xăng, bởi với hầu hết người Việt, "lời chào cao hơn mâm cỗ".
Có thể thấy, cái cúi chào của lãnh đạo, nhân viên ở cây xăng của Nhật là lời cảnh tỉnh cho tất cả những ngành, nghề, DN vẫn còn tâm thế kinh doanh dựa trên sự độc quyền, các ưu thế, ưu đãi. Nếu không chủ động thay đổi, chỉ một cái "cúi chào" của thị trường cạnh tranh cũng có thể tạo thành cơn bão cuốn bay họ đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.