Lo lắng của cử tri

21/05/2020 04:26 GMT+7

3.385 là con số tập hợp các ý kiến cử tri cả nước gửi đến Kỳ họp thứ 9 này của Quốc hội .

Có những mối lo thường trực, nhưng kỳ này, theo Mặt trận Tổ quốc VN, cử tri đặc biệt bày tỏ sự lo lắng trước những khó khăn, thách thức của đất nước chưa từng có trong nhiều năm qua, dịch bệnh ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội.
Đó là mối lo rất rõ ràng về tình trạng doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể; Đó là số người lao động mất việc làm, thiếu việc làm tăng. Từ đó, cử tri và nhân dân cũng gửi đi mong muốn rất cụ thể: Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục có giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn cho DN, duy trì và mở rộng thị trường việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động.
“Người dân và DN đề nghị nhà nước tiếp tục đẩy mạnh hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường mới là đối tác của Hiệp định Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do VN - EU (EVFTA)”, kiến nghị một vấn đề cụ thể liên quan đến hội nhập kinh tế là một điểm rất mới, dường như lần đầu được đề cập trong một báo cáo ý kiến cử tri như thế này.
Lâu nay các ý kiến tập hợp, cử tri thường chỉ là các vấn đề dân sinh thường trực. Điều này cho thấy, giờ đây nhân dân đã ý thức đầy đủ hơn về mức độ và giá trị mà hội nhập kinh tế có thể mang lại cho nền kinh tế và đời sống xã hội.
Dịch Covid-19 lan rộng, các chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ không thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Trong bối cảnh đó, việc EVFTA (mà Quốc hội đang thảo luận và sẽ biểu quyết thông qua vào ngày 28.5) được đánh giá mang ý nghĩa quan trọng. EVFTA còn được khẳng định mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho DN, giúp DN lấy lại đà tăng trưởng.
Thực tế thời gian qua cho thấy DN trong nước rất loay hoay tại thị trường châu Âu do cạnh tranh đến từ các nền công nghiệp quy mô khác trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Giá sản phẩm của VN thường cao hơn 10 - 20% so với nước bạn. Vì vậy, thị phần hàng hóa của VN tại EU còn khiêm tốn, trong khi EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới.
Giai đoạn hậu dịch bệnh, nếu EVFTA được đưa vào thực thi, DN Việt Nam đã có trong tay lợi thế rất lớn với những cam kết xóa/giảm thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, để khai thác thị trường 18.000 tỉ USD này.
Nhưng lo lắng của cử tri không phải là không có cơ sở, bởi vì các cam kết trong EVFTA cũng sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn cho các ngành kinh tế trọng yếu khác của ta như dược phẩm, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và logistics. Do vậy, có thể nắm bắt được cơ hội, biến “nguy” thành “cơ” như Thủ tướng yêu cầu hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng ta có chuẩn bị đủ sức đề kháng cho các “cú sốc” từ bên ngoài sau đại dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.