Lỗ hổng quản lý găng tay y tế

Thanh Tùng
Thanh Tùng
20/08/2020 04:17 GMT+7

Dịch bệnh Covid-19 làm thiếu hụt nhất thời các vật tư y tế, trong đó có găng tay y tế. Nhiều nước có nhu cầu lớn về găng tay y tế khi dịch xảy ra.

Các cá nhân, cơ sở trong nước “gom hàng” đưa ra nước ngoài, nên găng tay y tế trong nước cũng khan hàng.
Gần đây, liên tục nhiều vụ “mông má” hàng triệu găng tay y tế (GTYT) đã qua sử dụng để tung ra thị trường bị phát hiện, có vụ số GTYT bị phát hiện lên đến gần 70 tấn! Cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam một số người, đang điều tra làm rõ nguồn GTYT đã sử dụng từ đâu.
Việc này khiến dư luận hết sức lo ngại bởi GTYT mang bao nhiêu mầm bệnh nguy hiểm; cách quản lý thế nào mà GTYT đã sử dụng được tuồn số lượng lớn ra cho các cá nhân, cơ sở tái chế, vô hộp bán lại như thế.
Tại các bệnh viện, cơ sở y tế, rác thải được chia ra làm các loại: Chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm (lọ, ống thuốc...); chất thải y tế nguy hại lây nhiễm (găng tay, khẩu trang y tế, kim tiêm, dao mổ, bộ phận cơ thể người, mọi chất thải thấm máu...); chất thải y tế thông thường (thức ăn thừa, hộp xốp...). Mỗi loại đều được phân loại cho vào túi, thùng riêng với màu sắc khác nhau; bệnh viện, cơ sở y tế phải ký hợp đồng với đơn vị môi trường đến thu gom, đưa đi xử lý, giá cả xử lý từng loại rác thải y tế khác nhau.
Nhiều người nhận định phải có nguồn, đường dây mới có một lượng lớn GTYT đã sử dụng như vậy cung cấp cho các cơ sở làm ăn gian dối.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, có ý kiến cho rằng, để ngăn chặn việc dùng lại GTYT, cần cắt găng tay sau khi sử dụng. Cũng như trước đó, khi phát hiện khẩu trang y tế đã qua sử dụng được gom bán lại, cư dân mạng Trung Quốc kêu gọi cắt khẩu trang rồi vứt.
Một số lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ cũng cùng nhận định rằng, cắt GTYT thì người ta không dùng lại được, nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời và cho thấy chúng ta hết cách quản lý.
Đại diện một số bệnh viện, cơ sở y tế cũng cho biết, với GTYT (thuộc chất thải y tế nguy hại lây nhiễm) khi dùng xong, tháo ra là cho ngay vào bao, thùng; nếu sau đó lấy ra để cắt (ở bệnh viện) dễ làm phát tán mầm bệnh. Quan trọng nhất là biện pháp quản lý từ bệnh viện, cơ sở y tế đến đơn vị thu gom xử lý GTYT. Nếu những người ở các khâu liên quan có ý thức và việc giám sát, quản lý chặt chẽ thì GTYT đã sử dụng không thể lọt ra ngoài.
Cơ quan chức năng (quản lý thị trường, công an...) tăng cường phát hiện, xử lý thật nặng những người mua bán GTYT đã sử dụng, phạt bổ sung thêm tội làm lây lan bệnh truyền nhiễm...
Cá nhân, cơ sở kinh doanh cần văn minh, biết suy nghĩ đến sức khỏe cộng đồng. Dịch bệnh đã làm cho cả thế giới chao đảo, đừng gieo rắc thêm mầm bệnh ra cộng đồng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.