Lấy phiếu tín nhiệm

14/11/2014 03:48 GMT+7

Hôm nay, Quốc hội khởi động bước đầu tiên trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn đó là thông qua danh sách (50 chức danh) và các đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận (kín). Nghị quyết về kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thông qua vào chiều 15.11.

Không phủ nhận Nghị quyết 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn còn những hạn chế, gây tranh cãi như về phạm vi, đối tượng; hình thức tín nhiệm là hai hay ba mức; thời gian, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm... Nhưng cũng lại không thể phủ nhận rằng lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên tại kỳ họp thứ 5 của QH (tháng 5.2013), đã tạo ra những chuyển biến nhất định. Trên thực tế, ở những ngành mà người đứng đầu có mức phiếu “tín nhiệm thấp” cao trong lần lấy phiếu trước đã có những điều chỉnh (về mặt hình thức) khá rõ nét.

Tại sao lại chỉ có thể nói về những điều chỉnh ở một số chức danh do QH bầu và phê chuẩn ở mặt hình thức? Là bởi vì cử tri và dư luận xã hội chỉ có thể quan sát, cảm nhận về hoạt động quản lý, điều hành của những vị bộ trưởng, trưởng ngành thông qua những phát ngôn, hành động được phản ánh qua phương tiện thông tin đại chúng; mà không có đủ thông tin dữ liệu để đánh giá hiệu quả thực tế của hoạt động này đối với lĩnh vực đó nói riêng và đời sống xã hội nói chung.

Nhưng việc đánh giá (thông qua bỏ phiếu tín nhiệm) của ĐBQH đối với các chức danh chủ chốt thì lại khác, nó không cho phép chỉ xem xét về mặt hình thức, cũng có nghĩa là không được phép đánh giá cảm tính. Tuy nhiên, làm thế nào để ĐBQH đánh giá chuẩn xác, không cảm tính lại là một việc rất khó, trong bối cảnh QH ở ta đa số kiêm nhiệm, hoạt động giám sát được thực hiện theo chuyên đề, các công cụ minh bạch còn hạn chế. Một ĐBQH từng thừa nhận: bản thân tôi bỏ phiếu rất băn khoăn vì không có đủ dữ liệu, không đủ thông tin mà chỉ dựa vào dư luận xã hội để thực hiện quyền của mình.

Quả thật, khi mà chống tham nhũng còn “như đánh trận giả”, bởi vì chúng ta hoàn toàn thiếu hụt các công cụ kiểm soát thu nhập, giám sát tài sản...; đánh giá hiệu quả điều hành không có các tiêu chí cụ thể; thì việc bỏ phiếu của các ĐBQH đối với các chức danh chủ chốt là “cao” hay “thấp” cũng chỉ là để thỏa mãn phần nào đó “cảm nhận hình thức” của dân chúng, tính chính xác không cao. ­

Cuối kỳ họp này, QH sẽ thông qua Nghị quyết 35 sửa đổi để khắc phục những hạn chế kể trên, cũng như xem xét luật Tổ chức QH, trong đó bổ sung quy định về lấy phiếu tín nhiệm và hệ quả của việc lấy phiếu. Việc này rất quan trọng, nhưng là để tránh tranh cãi về mặt hình thức thôi, còn để việc lấy phiếu được thực chất thì nhất thiết phải có cơ chế để ĐBQH bỏ phiếu không cảm tính.

Đồng Nhân

>> Tuần này, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm
>> Lấy phiếu tín nhiệm 50 người giữ chức vụ do QH bầu, phê chuẩn
>> Chưa thông qua Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm
>> Lấy phiếu tín nhiệm: Đề nghị chỉ nên để 2 mức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.