Lãng phí thị trường nội địa

03/12/2018 04:53 GMT+7

Việc chưa đánh giá đúng tiềm năng của thị trường nội địa đang gây bất lợi cho chính doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng nội địa. Dân số trẻ, đông, sức mua cao, VN là thị trường tiêu thụ được đánh giá cao.

Tâm lý sính ngoại trong tiêu dùng không chỉ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất, nuôi trồng trong nước mà còn khiến chúng ta lãng phí thị trường nội với sức mua cao, dân số trẻ - luôn là sự thèm muốn của các nhà sản xuất nước ngoài.
Nếu trước kia nói đến sính ngoại, chủ yếu về tâm lý tiêu dùng. Từ quần áo, giày dép, thực phẩm... hàng ngoại dù đắt hơn, vẫn được người mua trong nước lựa chọn. Lý do đầu tiên là chất lượng, sự ổn định, sự đa dạng, dịch vụ hậu mãi... hàng trong nước không bằng hàng ngoại. Lý do quan trọng hơn là nhiều mặt hàng trong nước mất uy tín do một số đơn vị làm ăn chụp giựt.
Giờ mở cửa, thuế giảm, giá hàng ngoại trở nên cạnh tranh khiến hàng nội càng khó thở. Cứ nhìn ra thị trường sẽ thấy, những nông sản nội địa kêu cứu vì ế đồng, dội chợ thì hàng đồng dạng nhập khẩu vẫn tiêu thụ ào ào. Mới đây thôi, hàng trăm tấn thanh long ruột trắng, ruột đỏ ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang rớt giá thê thảm vì không có người mua, nhưng thanh long ruột đỏ Đài Loan giá hơn nửa triệu một ký nhập về vẫn tiêu thụ tốt. Những chuyện tương tự kể không xiết, phổ biến ở khắp mọi nơi, nói tới nói lui đã quá nhiều rồi.
Nhưng không chỉ ở chiều mua, ngay cả ở chiều bán, chúng ta cũng sính ngoại. Có bao nhiêu đồ ngon, tốt, chất lượng thì để dành xuất khẩu, những thứ còn lại, bán nội địa. Mà nào phải xuất khẩu được giá cao, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu giá thấp hơn bán nội địa. Thống kê cho thấy, có tới hơn 20 mặt hàng khối lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị thấp hoặc rất thấp. Với các thị trường khó tính, cái chúng ta vẫn thường thấy nhan nhản khắp nơi là nuôi, trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia để đáp ứng. Ở các thị trường này có thể bán được giá cao nhưng số lượng rất khiêm tốn và lợi nhuận cũng không bao nhiêu vì chi phí quá lớn.
Việc chưa đánh giá đúng tiềm năng của thị trường nội địa đang gây bất lợi cho chính doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng nội địa. Dân số trẻ, đông, sức mua cao, VN là thị trường tiêu thụ được đánh giá cao. Nếu trước đây chủ yếu là các doanh nghiệp ở các nước trong khu vực tìm đến thì hiện nay, các nhà sản xuất trên khắp thế giới cũng đã đến VN tiếp thị. Chưa kể bán hàng trong nước còn "đỡ" rất nhiều chi phí, thủ tục, thời gian, rủi ro. Nếu chúng ta trân trọng, đầu tư, khai thác đúng mức thì đâu đến nỗi vài ngày lại có nông sản bị Trung Quốc ngưng mua chất đống ngoài đồng; vài tháng lại có mặt hàng này, mặt hàng kia gặp khó vì hàng rào kỹ thuật ở nước này, nước kia.
Tất nhiên càng có nhiều hàng hóa, người tiêu dùng càng thêm nhiều sự lựa chọn. Chúng ta ủng hộ cạnh tranh nhưng những gì chúng ta có thể nuôi trồng, sản xuất được thì ít nhất cũng không để mất thị trường trong nước vào tay nước ngoài.
Cũng như không để hàng hóa VN phụ thuộc vào Trung Quốc hay bất kể thị trường nào khác để rồi họ chưa hắt hơi, chúng ta đã bệnh liệt giường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.