Làm đúng cách

23/07/2020 04:15 GMT+7

Làm đúng cách thì vừa huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để phục vụ lợi ích công, vừa tạo cơ hội để những người có điều kiện sẽ đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Dõi theo chuyện tranh luận chính quyền có nên tổ chức việc bán đấu giá các biển số xe được cho là “số đẹp” để tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước hay không thì tự nhiên lại muốn liên hệ với một góc nhìn khác về cách thức mà nhà nước huy động các nguồn lực từ xã hội.
Đương nhiên rồi, là huy động qua các sắc thuế, với các tính toán và áp đặt mức thuế sao cho đảm bảo công bằng xã hội. Đương nhiên rồi, là huy động qua các mục thu phí, cũng luôn được tính toán và áp đặt mức phí sao cho đảm bảo công bằng xã hội. Nhiều khi, cũng vì cái đòi hỏi công bằng ấy mà khó tránh khỏi cào bằng.
Nhưng từ một câu chuyện như đấu giá “biển số đẹp”, sao lại không thể mạnh dạn suy nghĩ và chấp nhận một lựa chọn một cách tiếp cận khác. Cái biển số xe, lẽ ra chỉ là một thứ vật dụng được đánh số theo quy ước để quản lý theo hệ thống, nhưng bỗng dưng lại trở thành một thứ hàng hóa đắt giá trên thị trường tâm lý tiêu dùng. Một vài tổ hợp số trong các mớ dãy số thuần túy của hệ thống quản lý bỗng dưng được gán với những hệ quy chiếu tâm lý rất thú vị và trở nên có ý nghĩa đặc biệt. Thế là tranh nhau tìm kiếm, biển số ngũ quý chẳng hạn. Và cũng vì thế mà gây rắc rối do nhiều người cùng có nhu cầu tìm kiếm. Thuận theo lẽ đó, về mặt quản lý, một chiến lược định giá cần được áp dụng như một phương pháp loại trừ để tránh hiện tượng gây “ùn tắc”.
Vậy thì còn chờ gì nữa mà không mạnh dạn đưa ra một khung định giá khác nhau cho những dãy số vốn sẽ có giá trị khác nhau trên thị trường tâm lý tiêu dùng “biển số đẹp”? Việc cần làm không làm lại đi làm chuyện cào bằng, là tổ chức bốc số ngẫu nhiên trúng số nào ráng chịu số đó.
Mà định giá rồi thì cũng chỉ mới có thể “loại trừ” một phần trong số những người lùng tìm “biển số đẹp”. Nghĩa là vẫn còn có thể “ùn tắc”. Vậy thì cần thêm một cơ chế “loại trừ” nữa, đó là cơ chế cạnh tranh, kiểu như đấu giá, ai trả tiền cao hơn thì sẽ được thụ hưởng.
Nhưng đây là hàng hóa công, vốn được hiểu là có tính chất “phi cạnh tranh”, nên việc đưa ra đấu giá cạnh tranh có thể gây ra chút băn khoăn. Nhưng đã bàn thì bàn cho hết nhẽ. Người dân chắc chắn mong đợi việc để cho cơ chế cạnh tranh được áp dụng trong trường hợp lợi ích thu được sẽ thuộc về lợi ích công.
Nhiều chuyện tương tự lắm, nếu làm đúng cách thì có thể đem lại nguồn thu công nhiều tỉ đồng, như chuyện quảng cáo trên xe buýt chẳng hạn.
Làm đúng cách thì vừa huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để phục vụ lợi ích công, vừa tạo cơ hội để những người có điều kiện sẽ đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.