Lại ‘nợ’ văn bản hướng dẫn

06/07/2015 05:23 GMT+7

Từ 1.7, rất nhiều chính sách mới, có tác động lớn đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo nút thắt dẫn vốn vào các kênh đầu tư, tạo sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp... đã có hiệu lực. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày áp dụng, 'căn bệnh' có luật nhưng thiếu hướng dẫn lại đang khiến các doanh nghiệp mệt mỏi và chính sách tạm thời bị vô hiệu hóa.

Từ 1.7, rất nhiều chính sách mới, có tác động lớn đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo nút thắt dẫn vốn vào các kênh đầu tư, tạo sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp... đã có hiệu lực. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày áp dụng, "căn bệnh" có luật nhưng thiếu hướng dẫn lại đang khiến các doanh nghiệp mệt mỏi và chính sách tạm thời bị vô hiệu hóa. 

Đơn cử như với luật Doanh nghiệp (DN) và luật Đầu tư sửa đổi. Chúng ta đều biết, 2 bộ luật này được giới chuyên môn, cộng đồng DN đánh giá sẽ tạo đột phá cho môi trường đầu tư khi chuyển từ chế độ chọn - cho sang chế độ chọn - bỏ. Trong đó, nội dung thay đổi lớn nhất của luật Đầu tư là quy định về cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Trước đây, DN chỉ được đầu tư kinh doanh những gì nhà nước cho phép thì nay, ngoài 6 ngành nghề cấm và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, DN được tự do đầu tư kinh doanh những ngành nghề khác mà luật không cấm. Rồi quy định bỏ ghi ngành nghề trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Vì thế, trước thời điểm luật có hiệu lực, không ít DN đã tỏ ra sốt ruột khi thấy nghị định hướng dẫn vẫn chưa có. Để trấn an, một số lãnh đạo có thẩm quyền đã nói rằng, 2 luật này đã quy định khá chi tiết, cụ thể nên chỉ cần biểu mẫu là DN có thể thực hiện theo. Thế nhưng khi DN đi đăng ký kinh doanh thì biểu mẫu chưa có; quy định về con dấu hay hướng dẫn thực hiện các quy định mới... đều thiếu, dẫn đến hàng loạt các trục trặc. Và câu trả lời chung của các đơn vị cấp phép vẫn là yêu cầu DN chờ nghị định, thông tư hướng dẫn.

Thực ra việc chậm trễ ban hành hướng dẫn đã trở thành căn bệnh kinh niên trong quá trình thực thi chính sách của chúng ta. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đến hết tháng 2.2015, Chính phủ, bộ và các cơ quan ngang bộ vẫn còn nợ 85 văn bản quy định chi tiết 23 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực từ 1.1.2015. Đó là chưa kể nợ đọng từ năm 2014 dồn lại gồm 17 văn bản quy định chi tiết thi hành 10 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực từ những năm 2012, 2013 và năm 2014. Có thời điểm, nợ đọng văn bản hướng dẫn luật lên tới gần 1/3 quy định. Thậm chí có những bộ luật có hiệu lực 4 - 5 năm trời nhưng vẫn không có hướng dẫn. Cũng có nghĩa là những luật này được ban hành nhưng không đi vào cuộc sống.

Trong khi như nói trên, từ 1.7 này rất nhiều chính sách quan trọng, đặc biệt là các chính sách liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh có hiệu lực. Bởi chúng ta đều biết, năm 2015 là năm VN đã và đang đàm phán, ký kết một loạt các hiệp định với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu chúng ta mở cửa theo các cam kết đã ký mà môi trường chưa thực sự thông thoáng, hấp dẫn thì đây sẽ là cản lực trong việc thu hút vốn ngoại; Nếu chúng ta mở cửa mà nội lực chưa đủ mạnh thì sẽ khiến DN nội bị chèn lấn ngay trên sân nhà và nếu luật mở mà các nghị định, thông tư lại "bó" thì luật cũng không thể đi vào cuộc sống, phục vụ người dân, phục vụ DN và tạo sức bật cho nền kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.