Lại đổ lỗi

29/11/2017 04:43 GMT+7

Chỉ vì lỗi đánh máy "suýt" nữa một loạt giấy tờ tùy thân quan trọng bị loại khỏi danh sách được chấp nhận làm thủ tục đi các chuyến bay nội địa.

Cũng vì "lỗi diễn đạt" của Bộ Tài nguyên - Môi trường mà suýt tí nữa bố mẹ phải xin phép con cái đồng ý mới được bán tài sản của mình...
Dù 2 đơn vị này đã tìm được chỗ, cớ đổ lỗi nhưng vấn đề đặt ra là những người có thẩm quyền ký ban hành các văn bản trên chẳng lẽ không đọc? Vì chỉ có không đọc, họ mới không phát hiện những lỗi tày đình như vậy chứ?
Ví dụ như ở Thông tư 45 về chương trình an ninh hàng không, cứ cho là cán bộ đánh máy đã sơ suất nên thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe bị loại. Nhưng có phải đánh máy xong rồi là văn bản được tải ngay lên cổng thông tin của Bộ GTVT đâu? Nó còn phải chuyển qua các ban chuyên môn kiểm duyệt, ký nháy, sau đó chuyển cho lãnh đạo Bộ ký trước khi ban hành. Tương tự với Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên - Môi trường. Trước khi gây náo loạn thị trường thì thông tư này cũng trải qua một quy trình cực kỳ chặt chẽ gồm: Cục Đăng ký đất đai dự thảo, lấy ý kiến của một số bộ, ngành, địa phương, đồng thời đã đăng tải lên Cổng thông tin của Bộ; gửi văn bản xin ý kiến các Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước...; tổ chức hội thảo lấy ý kiến trước khi tổng hợp, trình lãnh đạo Bộ ký ban hành... Qua hàng "chục cửa" với hàng trăm, hàng ngàn người như vậy mà chẳng ai thấy có vấn đề gì? Chỉ đến khi truyền thông, dư luận chỉ rõ những bất cập, rườm rà, thiếu hợp lý của thông tư thì Bộ mới nhận "lỗi diễn đạt" gây khó hiểu cho người dân của văn bản này.
Đến đây, có mấy vấn đề cần đặt ra. Thứ nhất, nếu lỗi đánh máy thì trách nhiệm vẫn thuộc về lãnh đạo cơ quan ban hành văn bản. Lãnh đạo Bộ phải đứng ra nhận trách nhiệm chứ không phải đổ lỗi. Thứ hai, nếu chấp nhận việc đổ lỗi vì bất cứ lý do gì, cũng có nghĩa những người có trách nhiệm ban hành văn bản thừa nhận, họ đã không đọc các văn bản pháp luật được chuyển đến tay mình mà nhắm mắt ký bừa. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Bởi mỗi chính sách, quy định đều có một nhóm đối tượng bị điều chỉnh. Riêng 2 văn bản nói trên còn tác động đến toàn dân, ấy vậy mà "nhắm mắt ký" ban hành thì nguy to. Cuối cùng, nếu lãnh đạo Bộ có đọc mà không phát hiện ra thì rõ ràng, trình độ, năng lực có vấn đề. Rơi vào bất cứ trường hợp nào trong cả 3 trường hợp nói trên, hệ quả của nó đều hết sức nguy hiểm.
Việc đổ lỗi cho đánh máy đã xảy ra nhiều lần trước đây và hầu hết đều xuê xoa, sửa lại là xong. Nhưng lỗi đánh máy, lỗi diễn đạt, lỗi kỹ thuật là "chuyện trong nhà" của các cơ quan này. Còn đã ra đến người dân thì phải có lãnh đạo chịu trách nhiệm. Lẽ nào một lời xin lỗi dân lại khó đến như vậy ?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.