Kỷ cương lỏng lẻo

12/04/2015 06:00 GMT+7

Theo Thanh tra Chính phủ, số vụ khiếu nại, tố cáo trong năm 2014 giảm so với năm 2013 nhưng khiếu nại đông người, vượt cấp, có tính chất phức tạp, gay gắt thì tăng 15%. Trong đó khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm gần như tuyệt đối: 98%.

Theo Thanh tra Chính phủ, số vụ khiếu nại, tố cáo trong năm 2014 giảm so với năm 2013 nhưng khiếu nại đông người, vượt cấp, có tính chất phức tạp, gay gắt thì tăng 15%. Trong đó khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm gần như tuyệt đối: 98%.

Tại hội nghị toàn quốc triển khai luật Tiếp công dân, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ ra chính xác nguyên nhân của tình trạng khiếu nại vượt cấp, gay gắt gia tăng, đó là công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều nơi còn chưa chặt chẽ, nhận đơn chuyển mà chưa đôn đốc giải quyết đến cùng.
Một nguyên nhân khác cũng vừa được Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chỉ ra hôm 10.4: Nhiều tỉnh, thành thực hiện kết luận thanh tra chưa nghiêm. “Có những vụ việc phức tạp mà Thanh tra Chính phủ, thậm chí Thủ tướng cũng kết luận, có ý kiến chỉ đạo rồi nhưng tỉnh, thành vẫn “ngâm”, không tổ chức thực hiện, xử lý dứt điểm”, ông Tranh nói.
Mức độ khác nhau, nhưng cả Phó thủ tướng và Tổng thanh tra Chính phủ đều đề cập đến một nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là kỷ cương hành chính lỏng lẻo. Luật Tiếp công dân đã có, các chỉ thị, nghị định về giải quyết khiếu nại của công dân không thiếu, nếu không muốn nói là rất nhiều, nhưng chính quyền cấp cơ sở thường không làm hết trách nhiệm giải quyết những bức xúc của dân. Dưới mà làm tốt thì làm gì có chuyện dồn việc lên cấp trên, làm gì có chuyện dân phải đội đơn lên trung ương cho vất vả, tốn kém. “Ngâm” kết luận thanh tra có nhiều nguyên nhân, hoặc là thiếu trách nhiệm, hoặc sợ trách nhiệm. Bất kể là nguyên nhân gì thì kỷ luật hành chính lỏng lẻo cũng là điều khó chấp nhận.
Hệ lụy chung rất đáng lo ngại, kỷ luật lỏng lẻo khiến bộ máy quản lý nhà nước chúng ta đã lãng phí rất nhiều thời gian, tiền bạc và cả niềm tin của nhân dân, làm chậm sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực.
Vì sao kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động quản lý nhà nước trong nhiều trường hợp, ở nhiều cấp, nhiều ngành đã không được tuân thủ nghiêm túc? Và làm thế nào để các quy chế, quy định của Chính phủ được thực hiện có kết quả, luôn là câu hỏi được đặt ra trong mục tiêu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Nhưng có vẻ vẫn chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu. Thế nên, không chỉ kết luận thanh tra không được thực hiện mà nó được lặp lại với các quy chế, chỉ thị cấp trên cứ ban hành, nhưng thực tế các chuyển biến của đời sống quản lý không như mong đợi, thậm chí không có chuyển biến gì đáng kể.
Muốn siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính không có cách nào khác là phải đề cao cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân về công việc được giao phó. Nếu người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính trị về tình trạng kém hiệu lực của bộ máy thì chắc chắn hạn chế được rất nhiều tình trạng đơn khiếu nại của người dân bị ném vào hư không, sẽ cũng không có chuyện cấp trên chỉ đạo mà cấp dưới không nghe, không thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.