Không thể chỉ giận dữ và sợ hãi

14/03/2020 07:40 GMT+7

Những ngày chống dịch Covid-19 , nhóm truyền thông của lãnh đạo các cơ quan báo chí chúng tôi bật chế độ liên lạc 24/24. Những cuộc trao đổi diễn ra cả lúc 1 - 2 giờ sáng và thông điệp xuất hiện lập tức trên mặt báo.

Một ca nhiễm mới, một diễn biến mới của dịch, một địa phương xuất hiện ca bệnh hay kết quả xét nghiệm các F liên quan âm tính đều khiến cảm xúc của chúng tôi chuyển trạng thái các cung bậc khác nhau. Và chúng tôi hiểu rằng truyền thông có trách nhiệm tác động đến cảm xúc xã hội rõ rệt như thế nào.
Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm cho rằng báo chí không thể chỉ cung cấp thông tin về dịch bệnh tạo nên trạng thái giận dữ và sợ hãi cho xã hội. Chính phủ Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc chống dịch cả về các biện pháp chuyên môn y tế và cả việc chăm lo cho dân tạo sức mạnh niềm tin cho toàn xã hội.
Điều này đã được bạn bè thế giới ghi nhận. Báo Thanh Niên những ngày qua đã liên tục cập nhật thông tin dịch bệnh, đưa ra các khuyến cáo tích cực và còn có sáng kiến phát động cuộc thi “Nhảy cùng Ghen Covy” tới những người trẻ như một thông điệp đừng sợ hãi, dè bỉu hay kỳ thị chúng ta cần tiếp tục chung sống với dịch lạc quan và an toàn.
Đến hết ngày 12.3 số lượng người tải ứng dụng khai báo y tế tự nguyện trên nền tảng Android mới đạt 120.000 người, trên iOS là gần 30.000. Số người khai tiếp xúc với người bệnh chỉ là 693 người phải chăng vẫn là tâm lý giấu giếm, đề phòng lẫn nhau để tránh kỳ thị của cộng đồng khi ai đó bị xác định F2, 3, 4? Vẫn còn đó những lời rỉ tai, những tin đồn qua mạng xã hội mà hình ảnh đời tư, lai lịch, vợ chồng con cái những người liên quan bị đào xới và mạt sát... dù không có bất cứ một chứng cứ nào được xác nhận. Chỉ khi nào mọi thông tin công khai hơn, người dân chủ động khai báo y tế hơn thì công cuộc chống dịch sẽ hiệu quả hơn nữa.
Khi tôi viết những dòng này, thì những tin vui về các ca bệnh dương tính ở Việt Nam sau thời gian được chăm sóc đã cho kết quả âm tính. Việt Nam đã và đang đi đúng hướng khi đối phó với Covid-19, phác đồ điều trị của chúng ta phù hợp... Việc bây giờ là tiếp tục lan tỏa cho toàn dân tinh thần tự giác, lạc quan thực hiện các bước quy định phòng dịch, ưu tiên chăm lo cho đối tượng dễ tổn thương người trên 60 tuổi, người đang có bệnh.
Đồng thời tìm kiếm các giải pháp khôi phục hoạt động trở lại của các doanh nghiệp sau dịch thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch tốt - vừa phát triển sản xuất kinh doanh”. Thủ tướng cũng đã cam kết sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp, miễn giảm thuế, phí, lãi suất; giãn hoãn nợ, chậm nộp; ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 để giảm phiền hà... Việt Nam chúng ta vốn đã có bản lĩnh vượt khó, có kinh nghiệm biến thách thức thành cơ hội vậy nên hãy đừng chỉ giận dữ và sợ hãi chúng ta sẽ tiếp tục chống dịch, sống và làm việc an toàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.