Không lẽ bất lực?

04/09/2015 05:22 GMT+7

Giá xăng hôm qua tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm 1.200 đồng/lít, một mức giảm khá mạnh nhưng cái người dân và cả nền kinh tế chờ đợi sau tín hiệu này là sự “lên tiếng” của giá cước vận tải, cước taxi... Bởi chỉ trong vòng 2 tháng qua, xăng dầu đã giảm tới 5 lần mà giá cước hầu như vẫn im lặng.

Giá xăng hôm qua tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm 1.200 đồng/lít, một mức giảm khá mạnh nhưng cái người dân và cả nền kinh tế chờ đợi sau tín hiệu này là sự “lên tiếng” của giá cước vận tải, cước taxi... Bởi chỉ trong vòng 2 tháng qua, xăng dầu đã giảm tới 5 lần mà giá cước hầu như vẫn im lặng.

Trước đó, Bộ Tài chính, Bộ GTVT đã lên tiếng thúc giục cước giảm theo xăng và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp vận tải kê khai cách tính giá đầu vào. Bởi giảm cước lúc này hết sức quan trọng với nền kinh tế. Chúng ta đều biết, thuế từ xuất khẩu dầu thô chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách, nên việc giá dầu thô thế giới giảm quá sâu sẽ tác động mạnh đến thu ngân sách trong năm nay.
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ cách đây mấy ngày, người phát ngôn của Chính phủ - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định dù giá dầu có giảm thì chủ trương của Chính phủ là không tăng sản lượng khai thác dầu để bù hụt thu. Thay vào đó, sẽ hướng đến việc thúc đẩy sản xuất trong nước, xuất khẩu, tăng thu từ các ngành sản xuất, dịch vụ khác, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính cũng bảo đảm đạt thu ngân sách theo kế hoạch. Mà muốn thúc đẩy sản xuất phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp giảm chi phí, hoạt động kinh doanh hiệu quả. Trong đó, cước vận tải là một khoản chi phí rất lớn. Nếu cước không giảm, giảm chậm hoặc giảm không tương ứng với mức giảm của xăng, sản xuất mất đi cơ hội giảm chi phí đầu vào. Kéo theo giá thành hàng hóa tiêu dùng cũng không giảm, không tăng được sức mua.
Vậy làm sao kích được sản xuất? Nếu cước chây ì hoặc giảm thiếu sòng phẳng, các đơn vị sản xuất trong nước bị "tước đoạt" một phần năng lực cạnh tranh, giảm hẳn lợi thế so với doanh nghiệp của các nền kinh tế bên cạnh.
Vậy làm sao thúc đẩy được xuất khẩu để tăng nguồn thu thuế từ kênh này? Là nước xuất khẩu dầu thô nhưng nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, việc giá dầu thô thế giới lao dốc đã khiến Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành đau đầu trước bài toán làm thế nào để khai thác tối đa lợi ích từ việc giảm giá xăng dầu, từ đó hạn chế nhiều nhất có thể các thiệt hại từ xuất khẩu dầu thô. Và giải pháp hiệu quả nhất là tạo hiệu ứng lan tỏa từ giảm giá xăng, dầu trong nền kinh tế. Thế nhưng hiệu ứng này đã và đang bị sự chây ì của giá cước chặn đứng. Nên nhớ, đây không phải lần đầu, kịch bản này được lặp lại đúng những gì đã xảy ra của năm trước gây bức xúc và phẫn nộ cho dư luận.
Thị trường vận chuyển bằng ô tô hiện có tới 2.681 doanh nghiệp, 568 hợp tác xã, hộ kinh doanh gia đình tham gia nhưng cứ như có sự "bắt tay ngầm" để cùng nhau chây ì, cùng nhau im lặng "được ngày nào, lợi ngày đó". Vẫn biết cước vận tải không nằm trong danh mục quản lý giá của nhà nước nhưng theo luật Giá, họ vẫn phải thực hiện kê khai giá và sẽ bị phạt nếu không kê khai, kê khai không đúng... với quy định.
Luật đã có, không lẽ chúng ta bất lực trước sự chây ì của giá cước?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.