Không để lãi suất tăng

03/03/2016 06:00 GMT+7

Đến hôm qua, lãi suất huy động trên thị trường lại lập đỉnh mới, xấp xỉ 8,4%/năm so với mức 8,2% của một số ngân hàng trước đó.

Đến hôm qua, lãi suất huy động trên thị trường lại lập đỉnh mới, xấp xỉ 8,4%/năm so với mức 8,2% của một số ngân hàng trước đó.

Không hề quá lời khi nói rằng, cuộc đua lãi suất đã ngấm ngầm được khởi động và nếu không có biện pháp mạnh, lãi vay sẽ nhanh chóng được kéo lên.
Điều đáng nói là lãi suất huy động tăng vọt nhưng đa số người gửi tiền sẽ không được hưởng. Bởi theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các mức lãi suất này chỉ áp dụng cho kỳ hạn dài và đối tượng là khách VIP với số tiền gửi rất lớn.
Đơn cử như mức lãi đỉnh lên tới gần 8,4%/năm mà Ngân hàng (NH) Việt Á áp dụng là cho số tiền gửi từ 100 tỉ đồng với thời hạn 13 tháng trở lên. Một số NH khác cũng áp dụng mức lãi suất trên 8% cho số tiền trên 10 tỉ đồng, thời hạn 36 tháng...
Như vậy có thể thấy, chỉ các khách hàng “đại gia” mới có cơ hội hưởng mức lãi này. Nhưng dù số người hưởng ít, số người bị tác động từ cuộc chạy đua lãi suất lại rất lớn. Bởi đầu vào cao, đầu ra chẳng chóng thì chầy cũng sẽ được nâng lên tương xứng. Những cá nhân, doanh nghiệp (DN) đã, đang vay vốn NH chắc chắn sẽ phải trả chi phí cao hơn.
Trong khi năm nay lại khởi đầu cho cuộc cạnh tranh quyết liệt của hàng nội với hàng ngoại sau một loạt hiệp định đa phương - song phương chính thức có hiệu lực. Các DN đang phải tính toán đủ cách để giảm giá thành, nâng chất lượng, dồn lực “chiến đấu” với hàng ngoại. Nếu bị "bồi" thêm cú tăng lãi suất, khó khăn, gánh nặng sẽ càng chồng chất. Đó là lý do khiến rất nhiều DN đang nơm nớp lo ngại bị điều chỉnh lãi vay khi đáo hạn.
Phải thừa nhận rằng lãi suất năm nay chịu nhiều áp lực hơn. Lạm phát dự báo cao hơn, tăng trưởng cũng dự báo cao hơn nên nhu cầu vốn chắc chắn lớn hơn. Nhưng theo nhiều chuyên gia, sở dĩ mức lãi suất huy động bị đẩy lên cao và nhanh như vậy là do các NH đang bị áp lực vốn trung dài hạn từ quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40% theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước.
Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 ngay khi được đưa ra lấy ý kiến đã tạo ra một cuộc tranh cãi kéo dài cả tháng nay nhưng chỉ tập trung vào những tác động đến thị trường bất động sản. Hầu hết ý kiến đều cho rằng, bất động sản mới hồi phục, chưa có dấu hiệu bong bóng, nếu "phanh gấp" nguồn tín dụng đổ vào đây có thể khiến thị trường này "gục ngã".
Nhưng với cuộc đua lãi suất đang được khởi động như nói trên, rõ ràng không riêng gì bất động sản mà cả nền kinh tế đang bị tác động từ những quy định trong Thông tư 36 sửa đổi.
Theo các chuyên gia kinh tế, chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn để thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai từ những lợi thế mà hội nhập mang lại. Đây là lúc phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về môi trường, thủ tục, chi phí, vốn... để tăng năng lực cạnh tranh cho DN.
Muốn vậy phải chặn đứng cuộc đua lãi suất huy động đang lan rộng, kéo theo nguy cơ tăng lãi vay trong hệ thống NH.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.