Không còn là chuyện nhỏ

19/12/2012 03:55 GMT+7

Chỗ đi vệ sinh, chỗ đậu xe, hàng rong... đúng là toàn những chuyện nhỏ. Nhưng nó không chỉ "gây khó lớn" như loạt bài cùng tên đăng trên Thanh Niên mấy ngày nay. Nó còn thể hiện tầm nhìn của chính quyền trong quy hoạch đô thị cũng như ngành du lịch; là hình ảnh của một quốc gia và thực tế, nó đã và đang kéo lùi sự phát triển của ngành kinh tế vốn được xác định là mũi nhọn từ nhiều năm nay.

Chỗ đi vệ sinh, chỗ đậu xe, hàng rong... đúng là toàn những chuyện nhỏ. Nhưng nó không chỉ "gây khó lớn" như loạt bài cùng tên đăng trên Thanh Niên mấy ngày nay. Nó còn thể hiện tầm nhìn của chính quyền trong quy hoạch đô thị cũng như ngành du lịch; là hình ảnh của một quốc gia và thực tế, nó đã và đang kéo lùi sự phát triển của ngành kinh tế vốn được xác định là mũi nhọn từ nhiều năm nay. 

Khởi công dự án cao nhất, khánh thành công trình hiện đại số 1, ra mắt tòa nhà nọ, trung tâm thương mại kia... đó là những thông tin chúng ta bắt gặp hằng ngày trong nhiều năm gần đây. Ngay trong bối cảnh suy thoái này, tại các TP lớn vẫn nườm nượp các cao ốc lớn nhỏ được khai sinh. Chỉ có cái nhà vệ sinh công cộng thì bao năm vẫn thế. Vẫn thiếu và dơ dáy. Nó hầu như bị bỏ quên (hoặc nhớ mà cố tình không làm) trong mọi phương diện. Quên khi duyệt quy hoạch, quên khi đặt bút ký cho thực hiện dự án, quên trong kế hoạch thu hút khách du lịch của mỗi địa phương, quên trong tính toán nhu cầu "giải quyết nỗi buồn" của số lượng người vào - ra thành phố khi các cao ốc, khách sạn, trung tâm thương mại, tòa nhà... mới ra đời. Cái "sự quên" này ngẫm cũng lạ. Vấn đề thiếu nhà vệ sinh công cộng đã được đặt ra nhiều năm nay, hậu quả và tác hại của nó được phân tích không thiếu một khía cạnh nào và nhu cầu "giải quyết nỗi buồn" thì ai cũng có... Vậy mà vẫn không nhớ. Vẫn thiếu. Vẫn mất vệ sinh.

Tương tự, hết di tích này, điểm tham quan kia được quảng cáo, được phong danh hiệu, được đưa vào chương trình tour, giới thiệu là "điểm đến"... nhưng chẳng ai nhớ đến chỗ đậu xe cho du khách khi tới tham quan. Báo hại họ có khi bị hối "xem cho nhanh" vì xe không thể chạy lòng vòng quá lâu hoặc phải đứng đường chờ hướng dẫn viên điện thoại cho tài xế trong khi tệ nạn hàng rong chèo kéo, bắt chẹt, móc túi, giật đồ thì ngày càng táo tợn... Chuyện nhỏ đã trở thành quá lớn.

Lớn là vì các "chuyện nhỏ" nói trên đang trở thành yếu tố cạnh tranh của nhiều nước trong việc thu hút khách du lịch nước ngoài. Chẳng thế mà các nhà vệ sinh 5 sao, toa lét có không có quá 2 con ruồi... lại khiến các TP thực hiện những việc này nổi như cồn. Còn chúng ta? Những diễn đàn truyền nhau "bí kíp" đi vệ sinh khi tới VN đã và đang làm hoen ố hình ảnh ngành du lịch trong nước. Tình trạng mất an toàn từ vấn nạn hàng rong đã làm giảm tính thân thiện của người dân; sự thiếu hụt chỗ đậu xe cho thấy tầm nhìn "ngắn" cũng như sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu phối hợp giữa các ngành - nghề trong quy hoạch phát triển. Kết quả là, không chỉ cạnh tranh không lại trong việc thu hút khách quốc tế với các nước trong khu vực, chúng ta còn đang "đẩy" cả khách nội ra nước ngoài. Vừa kém thu từ "xuất khẩu tại chỗ" (chi tiêu của khách ngoại), vừa chảy máu ngoại tệ khi khách nội đổ ra nước ngoài chi tiêu, mua sắm.

Khách du lịch đến VN ăn gì, chơi đâu? Không có sản phẩm du lịch; thiếu hướng dẫn viên tiếng hiếm, thiếu nhà vệ sinh, không đủ chỗ đậu xe. Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ; từ việc tạo ra niềm vui hay "giải quyết nỗi buồn"; từ đón vào đến đưa đi... chỗ nào cũng có vấn đề và đều rơi vào tình trạng "biết rồi, khổ lắm nói mãi" mà không được giải quyết rốt ráo. Vậy từ khi xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chúng ta đã làm gì ngoài việc khai thác vốn tự có?

Chuyện nhỏ làm không nổi, sao có thể tính chuyện lớn?

Nguyên Khanh

>> Chuyện nhỏ" gây khó lớn
>> “Chuyện nhỏ” gây khó lớn - Kỳ 2: Nỗi sợ mang tên hàng rong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.