Không chỉ nông dân khóc

03/03/2014 03:00 GMT+7

Không chỉ người trồng trọt ở Đà Lạt muốn khóc khi phải đổ rau củ cho bò ăn đến "phát ngán", người nuôi gà nuốt nước mắt vào trong vì giá thịt, giá trứng rớt thê thảm... mà hàng ngàn người tiêu dùng tại các TP lớn cũng muốn khóc khi xem những hình ảnh này. Bởi hằng ngày, họ vẫn phải mua rau, củ, trứng, thịt với giá không hề giảm.

Không chỉ người trồng trọt ở Đà Lạt muốn khóc khi phải đổ rau củ cho bò ăn đến "phát ngán", người nuôi gà nuốt nước mắt vào trong vì giá thịt, giá trứng rớt thê thảm... mà hàng ngàn người tiêu dùng tại các TP lớn cũng muốn khóc khi xem những hình ảnh này. Bởi hằng ngày, họ vẫn phải mua rau, củ, trứng, thịt với giá không hề giảm.

Việc "ế đồng - đắt chợ" là vấn đề tồn tại nhiều năm nay tại Việt Nam nhưng không được giải quyết. Nên cứ một năm vài lần, chúng ta lại chứng kiến nghịch lý chua chát, người nông dân khốn khổ, đổ nợ vì thua lỗ nuôi - trồng còn người tiêu dùng ở các TP lớn vẫn phải sử dụng rau - thịt với giá trên trời. Điều đáng nói là nguyên nhân đã được xác định từ rất lâu. Đó là hệ thống phân phối yếu kém, lạc hậu kéo dài đã tạo ra nhiều tầng nấc trung gian những cò, thương lái, đầu nậu.. ký sinh và trục lợi cả 2 đầu: người sản xuất và người tiêu dùng....

Ngay tại lúc này, dịch cúm đang khiến các cấp có thẩm quyền đứng ngồi không yên thì với nhiều thương lái, nhiều đầu mối thu gom hàng nông sản nó lại trở thành cái cớ giúp họ kiếm lợi. Để ép giá nông dân, dịch cúm được giải thích đã làm người tiêu dùng sợ hãi, không dám sử dụng thịt, trứng nên ế ẩm, rớt giá. Còn với người tiêu dùng lại càng dễ hơn. Hàng loạt gia cầm bị tiêu hủy vì nhiễm bệnh dẫn đến tình trạng khan hiếm. Mà khan hiếm thì giá phải cao. Giải thích nào cũng hợp lý.

Nếu chúng ta cứ phó mặc người nông dân như các trường hợp nói trên thì làm sao có thể trách khi họ "bán non" nông sản cho đầu nậu nước ngoài với giá cao? Nếu tình trạng "đắt vườn - ế chợ" vẫn tiếp diễn thì làm sao chúng ta động viên người dân từ chối những lời chào mời hấp dẫn dù tiềm ẩn đầy rủi ro?

Chỉ cách đây vài ngày, ở Vĩnh Long, nhiều thương lái Trung Quốc đến chào mua lá khoai lang xanh, non với giá hấp dẫn. Lãnh đạo địa phương đã kêu gọi người dân từ chối để tránh rủi ro. Nhưng liệu họ có "lắc đầu" được mãi khi nghịch lý "được mùa - mất giá" vẫn ám ảnh?  Trước đó, rất nhiều thời điểm các nhà sản xuất trong nước bị thiếu nguyên liệu vì không cạnh tranh nổi với thương lái nước ngoài vào tận vườn thu gom nông sản. Rồi chuyện các thương lái Trung Quốc thu gom đỉa, ốc bươu vàng; gốc tre, xơ dừa... đẩy hàng ngàn hộ dân vào khốn khó dù được cảnh báo nhưng vẫn tiếp tục diễn ra khắp nơi... Nói như vậy để thấy, nếu chúng ta chưa thực sự quyết liệt trong việc xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp và hiện đại; Nếu không gắn liền các nhà máy chế biến nằm trong vùng nguyên liệu, nếu các DN vẫn muốn "lướt sóng", khi cần thì tranh mua còn khi có cơ hội thì ép giá thì vấn đề sẽ không chỉ dừng lại ở chuyện người nông dân khốn khổ.

Hôm nay, người trồng rau ở Đà Lạt đang khóc vì phải đổ cho bò ăn, người nuôi gia cầm rớt nước mắt vì thua lỗ nhưng nếu người nông dân vẫn tiếp tục không được bảo vệ, sẽ đến lúc các nhà sản xuất, các doanh nghiệp chế biến, các công ty xuất khẩu và cả nền kinh tế phải khóc theo vì những hệ lụy từ chuyện này.

Nguyên Hằng

>> TP.HCM: Rau, củ, quả giảm giá mạnh
>> Giá rau củ giảm mạnh do sức mua yếu
>> Thê thảm giá gia cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.