Không chỉ là bá quyền văn hóa

16/10/2019 04:55 GMT+7

“ Trung Quốc sử dụng văn hóa và “ngoại giao quần chúng” như những biện pháp quyền lực mềm”. GS Joseph Nye (ĐH Harvard, Mỹ), người được xem là “cha đẻ” của học thuyết Quyền lực mềm , đã nhận định như vậy khi trả lời Thanh Niên từ cách đây hơn 7 năm.

Theo ông, đó là một phần quan trọng trong chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc, nhằm kết hợp cùng sức mạnh quân sự để đạt được các ý đồ chính trị mà nước này theo đuổi, điển hình như đối với các tranh chấp chủ quyền trên biển.
Quả thực, suốt những năm qua, song hành cùng việc mở rộng mô hình học viện Khổng Tử để tuyên truyền văn hóa Trung Quốc ra khắp thế giới, Bắc Kinh đang tích cực tìm cách sử dụng văn hóa phục vụ cho mưu đồ bá quyền. Trung Quốc đã tung tiền đầu tư vào các hãng phim ở Hollywood (Mỹ) để tìm cách phục vụ chính trị, mưu đồ chủ quyền. Điển hình như phim Everest - Người tuyết bé nhỏ (Abominable), có lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp, là một sản phẩm do Công ty Pearl của Trung Quốc hợp tác sản xuất cùng DreamWorks của Hollywood. Bên cạnh đó, những phim do Trung Quốc tự sản xuất cũng được thúc đẩy phổ biến rộng rãi và lẩn khuất trong đó là những mưu đồ truyền bá chính trị, ví dụ như Điệp vụ Biển Đỏ cũng tuyên truyền sai trái về chủ quyền Trung Quốc đối với Biển Đông.
Những chiêu trò núp bóng văn hóa như thế không chỉ dừng lại trong phim ảnh, mà còn xuất hiện cả trong các ấn phẩm nghiên cứu khoa học, tài liệu khoa học…, thậm chí cả đồ chơi trẻ em. Tất cả đều đã được Bắc Kinh tìm cách lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò”. Những sản phẩm sai trái này lại được bán thông qua các kênh bán hàng trực tuyến liên quan Trung Quốc để phổ biến ở nước ngoài. Như Thanh Niên từng phản ánh về việc trên trang thương mại điện tử Shopee tại VN đã bán bộ đồ chơi trẻ em với hình thức tập cắm cờ các nước lên bản đồ, nhưng bản đồ có cả “đường lưỡi bò”.
Thông qua các doanh nghiệp, Trung Quốc còn đầu tư để có “chân đứng” ở nhiều đơn vị truyền thông, báo chí ở nhiều nước rồi từng bước tìm cách dẫn dắt dư luận. Ví dụ những khoản đầu tư liên quan các tập đoàn như Alibaba, Tencent… được rót vào các phương tiện truyền thông, mạng xã hội một số nước.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tiếp cận rồi “chiêu dụ” các chuyên gia quốc tế. Từ đây, không ít quan điểm sai trái về chủ quyền Biển Đông, thông qua các chuyên gia “thân” Bắc Kinh, đã xuất hiện không chỉ trên những diễn đàn nghiên cứu, mà còn phổ biến rộng rãi qua sản phẩm văn hóa như báo chí tại nhiều nước.
Với một hệ thống chiêu trò ở nhiều khía cạnh, Trung Quốc đang thực thi một chiến lược toàn diện để hướng đến bá quyền văn hóa. Văn hóa cùng với quân sự và kinh tế trở thành 3 trụ cột cho Trung Quốc thực hiện mưu đồ chính trị.
Tất nhiên, trong thời đại hội nhập, VN không thể “ngăn sông cấm chợ”, nhưng rất cần sự sàng lọc, “gác cổng” cẩn trọng cho công cuộc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.