Khởi nghiệp cô độc

16/03/2016 05:00 GMT+7

Hiện chỉ có 2,4% dân số VN (bao gồm thanh niên) có tinh thần khởi nghiệp, trong khi bình quân thế giới là 12%. Thông tin này được Ủy viên T.Ư Đảng - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đưa ra tại cuộc giao lưu trực tuyến diễn ra vào ngày 14.3.
Không quá khó hiểu khi tỷ lệ tinh thần khởi nghiệp của VN quá thấp so với thế giới. Bởi như Thanh Niên vừa đề cập vào ngày 9.3 trong bài Doanh nghiệp quá khổ, giới doanh nhân Việt phải đối mặt với vô số khó khăn, mà trong đó không ít khó khăn bắt nguồn từ thể chế kinh tế, chính sách quản lý, thủ tục hành chính kéo dài, tệ nhũng nhiễu… Bởi thế, các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm làm sao dám mạnh dạn khởi nghiệp khi hằng ngày đọc được, nghe thấy những lời than khó từ phía các doanh nhân từng vượt bao khó khăn.
Không chỉ đối mặt với bao khó khăn trên, người trẻ khởi nghiệp thậm chí còn phải vượt qua được những rào cản. Rào cản đó còn là sự thiếu niềm tin trong xã hội dành cho họ. Rào cản là ngân hàng, nhà đầu tư còn e dè việc đầu tư vốn cho các dự án khởi nghiệp, mà rộng hơn chính là thiếu kênh huy động vốn. Rào cản là không ít cha mẹ vẫn còn mang tư tưởng cho rằng con cái nên an phận, làm công ăn lương cho “chắc ăn”. Rào cản còn là thiếu những kênh tư vấn, phản biện để tăng tính khả thi cho dự án khởi nghiệp…
Tất cả những rào cản đó không được loại bỏ thì những bạn trẻ khởi nghiệp rất dễ rơi vào tình trạng cô độc, bởi thiếu những hỗ trợ thiết thực từ xã hội. Mọi lời động viên cần được thể hiện bằng hành động thực tế. Các cơ quan đoàn thể có thể tham khảo những mô hình đang gặt hái nhiều thành công ở các nước. Chẳng hạn như mô hình diễn đàn giới thiệu dự án và huy động vốn KickStarter (Mỹ) tạo ra điều kiện rộng rãi cho những dự án mới lẫn đa dạng nhà đầu tư dù nhỏ lẻ. Kể từ khi ra đời từ tháng 4.2009 đến nay, Kickstarter đã huy động được 1,9 tỉ USD từ 9,4 triệu người để cung cấp vốn cho 257.000 dự án từ thiết kế đồng hồ thông minh, chế tạo thiết bị điện tử… đến làm phim. Từ đây, một số thương hiệu Mỹ đã thành danh chỉ sau vài năm. Thậm chí, thương hiệu Pebble huy động vốn từ Kickstarter để khởi nghiệp và chỉ sau 3 năm thì bán được hàng triệu chiếc đồng hồ thông minh, có doanh thu hàng trăm triệu USD.
Tất nhiên, bên cạnh đó, cũng cần có những chương trình để đào tạo ý thức cho giới trẻ để khi khởi nghiệp như khả năng ứng xử, kinh doanh chuyên nghiệp để tạo niềm tin cho xã hội. Đó cũng chính là cách góp phần cho giới trẻ bắt đầu tạo dựng cơ ngơi riêng không cảm thấy cô độc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.