Khoan sức dân

21/03/2020 07:51 GMT+7

2 tháng đầu năm dưới tác động của dịch Covid-19, hơn 16.000 doanh nghiệp đóng cửa. Đằng sau đó là hàng ngàn, hàng vạn người lao động mất việc làm; một số lượng lớn bị giảm thu nhập do công ty khó khăn.

Có thể nói, Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến từng mâm cơm trong mỗi gia đình. Các bà nội trợ phải lên kế hoạch chi tiêu thận trọng và tiết kiệm hơn do thu nhập giảm.
Ngay cả với những người chưa bị giảm thì việc thắt lưng buộc bụng vẫn được áp dụng như một cơ chế dự phòng khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và nguy cơ mất việc, mất thu nhập vẫn rình rập.
Trong bối cảnh này, khoan sức dân để kích cầu tiêu dùng là giải pháp mà tất cả các nước đều thực hiện thông qua giãn, hoãn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Bởi việc này sẽ khiến thu nhập của người dân tăng lên, họ sẽ nới tay hơn trong việc chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu, từ đó góp phần tăng tổng cầu trong nền kinh tế.
Quan trọng hơn, ngưỡng thuế TNCN hiện nay (9 triệu đồng với người nộp thuế và 3,6 triệu cho người phụ thuộc) và cả ngưỡng mới theo dự thảo của Bộ Tài chính (tương ứng là 11 triệu và 4,4 triệu đồng) đã quá lỗi thời, nếu không muốn nói là bất công với người nộp thuế.
Với ngưỡng thuế này, người lao động lâu nay phải "thắt lưng buộc bụng" để nộp thuế. Cộng thêm khó khăn do dịch Covid-19 hiện nay thì chắc chắn họ phải cắt giảm tối đa chi tiêu mới có thể cầm cự nổi.
Thế nên trong bối cảnh này, nên giảm ít nhất 50% thuế TNCN và hoãn nộp để người lao động có thêm nguồn thu trang trải sinh hoạt hằng ngày. Giải pháp này không chỉ hỗ trợ người dân mà còn khiến các chương trình hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp của Chính phủ thêm hiệu quả.
Bởi thu nhập tăng lên, người dân nới tay chi tiêu thì doanh nghiệp mới bán được hàng, mới giảm được tồn kho, sản xuất mới được kích hoạt và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Vẫn biết ngân sách khó khăn, nên việc miễn, giảm hay hoãn thuế luôn được cân nhắc rất kỹ. Thế nhưng nếu người dân không chi tiêu, doanh nghiệp không tồn tại được thì cơ quan thuế cũng chẳng thể có nguồn thu.
Vì thế “nuôi dưỡng nguồn thu”, khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp để “bỏ con tép, bắt con tôm” là việc cần thiết phải làm ngay. Thực tế, khó khăn vẫn ngày càng trầm trọng.
Khắp nơi, những quán hàng đóng cửa, sang mặt bằng; các công ty du lịch “kích hoạt” chương trình ngủ đông; hàng loạt cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí... sau một thời gian cầm cự đã chính thức tuyên bố ngưng hoạt động.
Vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy... liên tục cắt tuyến này, ngưng tuyến kia; ở thủ phủ hoa Đà Lạt nông dân ngậm ngùi nhổ cả cánh đồng hoa cúc; doanh nghiệp phải xay hoa làm phân xanh.
Nhiều doanh nghiệp dệt may cũng gặp khó khăn ở các thị trường Mỹ và châu Âu… Có thể thấy, khó khăn không chừa một ai. Từ hộ cá thể cho tới các tập đoàn, tổng công ty; từ tổ chức tới cá nhân....
Dịch bệnh chưa biết bao giờ mới qua đi, đây là lúc chính sách thuế cần sự linh hoạt không chỉ để nuôi dưỡng nguồn thu mà còn tạo niềm tin cho người dân về sự đồng hành của Chính phủ với người dân, doanh nghiệp khi kinh tế đối mặt với suy thoái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.