Khi ‘cầu nối’ chưa thông

20/12/2013 01:47 GMT+7

Đóng vai trò quan trọng là cầu nối để đưa hàng Việt cũng như doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường thế giới, thế nhưng hoạt động của các thương vụ VN tại nước ngoài trong thời gian qua vẫn rất khiêm tốn, khiến doanh nghiệp trong nước phần lớn phải tự xoay xở.

Đóng vai trò quan trọng là cầu nối để đưa hàng Việt cũng như doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường thế giới, thế nhưng hoạt động của các thương vụ VN tại nước ngoài trong thời gian qua vẫn rất khiêm tốn, khiến doanh nghiệp trong nước phần lớn phải tự xoay xở.

Câu chuyện khá ngược đời là các thương vụ VN tại nước ngoài... tiêu không hết tiền. Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, năm 2012 kinh phí đặc thù dùng tổ chức hội thảo, diễn đàn kết nối doanh nghiệp, kiểm tra xác minh thông tin theo yêu cầu từ trong nước, được cấp cho các thương vụ đến 10 tỉ đồng nhưng số tiền được tiêu chỉ ở mức 6,95 tỉ đồng. Việc tiêu không hết tiền này không phải do thương vụ tiết kiệm ngân sách, mà xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan như không tự chủ tài chính, phụ thuộc nhiều vào sự lãnh đạo của đại sứ, tham tán nội bộ; cán bộ tham tán còn kiêm nhiệm...

Đây không phải năm đầu tiên những bất cập trong cơ chế hoạt động của thương vụ được điểm mặt chỉ tên tại các hội nghị tham tán do Bộ Công thương tổ chức. Nhưng đã trải qua nhiều kỳ hội nghị, những bất cập này vẫn chưa được giải quyết triệt để, kết quả là hoạt động của các tham tán thương mại vẫn bị đánh giá là bị động, thiếu kết nối.

Bộ Công thương cũng thừa nhận, các cơ quan đại diện ở nước ngoài như đại sứ quán, tổng lãnh sự quán, các thương vụ chưa thực sự tham gia hiệu quả trong hỗ trợ xúc tiến các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Thậm chí, một số cơ quan còn không nắm rõ được số lượng các dự án, thuận lợi khó khăn trong đầu tư, khiến các nhà đầu tư lâm vào tình cảnh lạc lõng, đơn lẻ hoặc xung đột nhau khi giải quyết khó khăn trong triển khai dự án tại nước ngoài.

Bên cạnh đó, dù xuất khẩu luôn là điểm sáng của kinh tế VN vài năm qua, nhưng liệu bao nhiêu phần trăm trong số đó có sự đóng góp xúc tiến, đầu mối hay kết nối của các thương vụ? Không khó để trả lời nếu nhìn vào các ngành hàng mũi nhọn xuất khẩu chính của VN như lúa gạo, tôm, cá vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước, tự tìm kiếm bạn hàng, đơn hàng. Nếu các thương vụ nắm rõ tình hình, kết nối được các đầu mối nhập khẩu nước ngoài, có lẽ cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của VN vào một số thị trường sẽ còn được mở rộng hơn rất nhiều.

Làm thế nào để vai trò cầu nối ra nước ngoài của các thương vụ thực sự “thông” là bài toán đặt ra với Bộ Công thương, trong xây dựng, quy định rõ cơ chế, tổ chức hoạt động của các thương vụ. Điều này đòi hỏi bản thân Bộ Công thương cũng cần chủ động ra “đề bài” hằng năm cho từng tham tán thương mại tại mỗi nước, như phải chủ động đề xuất được phương hướng xúc tiến thương mại vào từng địa bàn từng thời điểm, nắm bắt nhu cầu hàng hóa thông tin cho doanh nghiệp trong nước...

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.