Khi các nguyên tắc bị vi phạm

23/10/2014 07:00 GMT+7

Phát biểu tại Quốc hội hôm 21.10, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nói rằng chúng ta đang vi phạm cả 3 nguyên tắc trụ cột của kinh tế. Bao gồm: tăng chi lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động; tốc độ tăng chi an sinh xã hội cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách; tốc độ tăng chi thường xuyên cao hơn tốc độ tăng chi đầu tư phát triển.

Tóm lại, vấn đề của chúng ta bây giờ là đang tiêu nhiều, tốc độ tiêu tăng quá nhanh so với những gì kiếm ra. Các cụ xưa nói “bóc ngắn cắn dài” để chỉ những gia đình dày ăn mỏng làm, mà hậu quả đi kèm là không thể vượt qua đói nghèo, tụt hậu. Rộng ra, ở một đất nước chi nhiều hơn thu sẽ dẫn đến bội chi, nợ công. Vòng luẩn quẩn từ đó là không có nguồn lực để đầu tư phát triển, không thể xây dựng chính sách tốt, không chính sách tốt nên kinh tế không phát triển.

Cơ cấu lại chi tiêu công là vấn đề nghiêm túc được Chính phủ và QH đặt ra từ năm 2011, nhưng kết quả chưa đáng kể. Chi thường xuyên, chi sự nghiệp (chi để vận hành bộ máy) tăng rất nhanh, năm 2013 lên tới hơn 70% tổng chi. Trong khi chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm về tỷ trọng, từ 30,2% tổng chi ngân sách năm 2003 xuống còn khoảng 22% trong năm 2013.

Không chỉ vi phạm nguyên tắc chi cho đầu tư phát triển phải cao hơn chi thường xuyên như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói, chúng ta còn gặp một vấn đề khác đó là chất lượng đầu tư không cao. Hàng loạt công trình từ trạm, trường, bến cảng, nhà văn hóa, khu công nghiệp, khu đô thị bỏ hoang, vắng vẻ, trụ sở to hoành tráng, nhưng dứt khoát cái sau phải to hơn cái trước.

Các chuyên gia kinh tế của WB cũng khuyến cáo VN cần có một làn sóng cải cách mới để giải phóng mạnh mẽ hơn những lực lượng sản xuất đang bị các quy định, chính sách không phù hợp kiềm chế; tăng năng suất lao động và hiệu quả thông qua việc tạo điều kiện cho thị trường vận hành hiệu quả hơn, tái phân bổ nguồn lực nhanh hơn và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu. Kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy, năng suất lao động là các yếu tố then chốt, vì nó có thể làm tăng ít nhất một nửa GDP của hầu hết các nước phát triển. Với xuất phát điểm thấp hơn, việc tăng năng suất lao động tại VN chắc chắn có thể đóng vai trò quan trọng nhiều hơn nữa.

Việc lỡ hẹn tăng lương tối thiểu theo lộ trình vào năm 2015 có thể khiến rất nhiều người không vui, nhưng câu hỏi “lấy tiền đâu để tăng lương?” là một chỉ dấu quan trọng, buộc chúng ta phải nghiêm khắc nhìn nhận lại mối quan hệ năng suất lao động - tiền lương.

Nếu báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế công bố mới đây là đúng, năng suất lao động của VN năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần, thì mức lương thấp như hiện tại cũng đáng suy ngẫm.

Thế mới nói, cái gì ngược quy luật, trái nguyên tắc đều để lại hậu quả nặng nề. Giải quyết việc này khá đơn giản, chỉ cần theo đúng nguyên tắc mà làm.

An Nguyên

>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Bội chi đã chạm ngưỡng an toàn rồi
>> Bội chi tiền tỉ quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
>> Tinh giản bộ máy để giảm bội chi
>> Bội chi để nuôi bộ máy hành chính
>> Đưa bội chi ngân sách 2014 thấp hơn 5,3%
>> Thảo luận tại Quốc hội: Nới bội chi, tháo gỡ tồn kho
>> Nợ công có thể đã chạm mức giới hạn
>> Mỗi người Việt gánh thêm 1,8 triệu đồng nợ công
>> 4 tháng tăng thêm 3 tỉ USD nợ công

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.