Kết nối người dân và lịch sử

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
14/04/2019 06:00 GMT+7

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, PGS-TS Nguyễn Văn Huy và nhiều người dân ở làng Lai Xá (xã Kim Chung, H.Hoài Đức, Hà Nội) đã lên kế hoạch để thực hiện trưng bày vào cuối năm nay về mảnh đất quê hương họ.

 Nội dung trưng bày về di chỉ Vườn Chuối, một di chỉ từ thời dựng nước, ngay trên mảnh đất Lai Xá.
“Vườn Chuối là di tích khảo cổ học cực kỳ quý hiếm của Hà Nội, chứa đựng lớp di tích văn hóa kéo dài qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ Đồng Đậu qua Gò Mun tiến đến Đông Sơn. Có thể nói, đây là một di chỉ hiếm có từ thời kỳ dựng nước đầu tiên cách đây hơn 3.000 năm. Giá trị của di chỉ càng cao hơn khi có tới hơn 90% các di chỉ khác thời Hùng Vương đã biến mất”, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, nói. Chính vì thế, ông Tín rất ủng hộ việc những câu chuyện khảo cổ học được người dân kể lại trong triển lãm. Nó khiến câu chuyện của một thời kỳ đã rất xa xôi gần hơn, thấm thía hơn.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (H.Đông Anh, Hà Nội) cũng là nơi người dân có nhiều điều để kể về thời kỳ Hùng Vương và quê hương mình. Ở đó, vẫn còn bức tượng đá không đầu trong am thờ Mỵ Châu. Cũng còn có cả những đoạn thành đã được khai quật để tìm hiểu kỹ thuật. Chưa kể, tại Đình Tràng, các nhà khảo cổ học đã phát hiện cả dãy lò nung.
Về những dấu vết khảo cổ học, dân tộc học từ thời kỳ Hùng Vương, PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho rằng cần có những trưng bày để có thể kết nối người dân và lịch sử. Những di chỉ đó, hiện vật đó thực sự quý hiếm. Chúng không còn nhiều. Và cũng cần chú ý tổ chức việc trưng bày sao cho hấp dẫn. Để người dân cảm thấy gần gũi, dễ nhớ. Chẳng hạn, theo ông Huy, nếu dãy lò đúc đồng có thể được tái hiện lại như mặt bằng của nó khi phát hiện, người dân có thể thấy rõ hơn về trình độ đúc và tổ chức sản xuất của tổ tiên. Cách sắp xếp thành dãy theo hướng tây bắc - đông nam này, theo GS Hán Văn Khẩn (ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), thì nhiều khả năng là để tận dụng hướng gió.
Bên cạnh đó, các di tích thờ cúng Hùng Vương cũng có thể là điểm lui tới của các giờ ngoại khóa. Nếu các di chỉ thời Hùng Vương hiếm hoi thì số lượng các di tích thờ cúng Hùng Vương lại không hề ít.
“Nếu chỉ tính từ Việt Trì ngược sông Thao lên đến Hạ Hòa, ngược sông Đà lên đến Thanh Thủy, ngược sông Lô lên đến Đoan Hùng thì ít nhất cũng có thể đếm được 432 di tích”, GS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia, phân tích và nhận định rằng tín ngưỡng này sau đó còn theo hành trang cư dân đi mở nước về phía nam.
Các điểm di tích này cùng với di sản phi vật thể là các lễ hội tại đó cũng giúp người dân gần với di sản hơn. Chẳng hạn, lễ hội tại Cổ Loa, luôn có sự tham gia của chính những người dân sống trong khu vực. Từ rất nhiều chi tiết kết hợp, câu chuyện của thời Hùng Vương đã rất xa, bỗng trở nên gần gũi như vậy.
Từ tất cả những nền tảng đó, nếu tổ chức bài bản hơn sẽ trở thành phương tiện học sử, hiểu sử địa phương hiệu quả hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.