Hơn một kỳ thi

04/07/2014 01:45 GMT+7

Nếu chọn một điều khả dĩ để có thể còn một chút niềm tin ít ỏi nào đó về giáo dục VN, tôi nghĩ không ít người cho rằng đó là kỳ thi tuyển sinh đầu vào ĐH. Điều này cũng được minh chứng phần nào qua nhận định của GS Thomas J.Vallely - Giám đốc Chương trình Việt Nam tại ĐH Harvard, người nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh 2014 về văn hóa và giáo dục.

Nếu chọn một điều khả dĩ để có thể còn một chút niềm tin ít ỏi nào đó về giáo dục VN, tôi nghĩ không ít người cho rằng đó là kỳ thi tuyển sinh đầu vào ĐH. Điều này cũng được minh chứng phần nào qua nhận định của GS Thomas J.Vallely - Giám đốc Chương trình Việt Nam tại ĐH Harvard, người nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh 2014 về văn hóa và giáo dục.

GS Thomas J.Vallely khẳng định với báo chí: “Một điều mà hệ thống giáo dục VN vẫn còn sự liêm chính là cuộc thi đầu vào ĐH”. Ông diễn giải rằng các ĐH công không phải là tốt nhưng những học sinh giỏi vẫn thi vào đó và bài thi đầu vào vẫn còn được đảm bảo (không bị tham nhũng).

Với truyền thống trọng sự học và với quan điểm giáo dục là thay đổi số phận của người học nên đối với phần lớn người VN kỳ thi tuyển sinh vào ĐH là một bước ngoặt lớn trong đời. Những năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh không chỉ là sự kiện của TS và phụ huynh mà còn của cả xã hội. Không chỉ các đơn vị liên quan mà từ tổ chức đoàn thể, ban ngành, tôn giáo đến từng cá nhân đều tham gia hỗ trợ, quan tâm đến từng TS.

TS từ những miền xa xôi hẻo lánh hay ở các đô thị lớn đều xem trọng kỳ thi này và có một niềm tin rằng người ta sẽ hiểu biết hơn, tốt đẹp hơn nếu được đặt chân vào cổng trường ĐH. Chính niềm tin đó đã giúp biết bao phụ huynh không quản nhọc nhằn, thậm chí từ bỏ làng quê, vào thành phố mưu sinh tạm bợ để nuôi con ăn học.

Nhưng điểm sáng ở kỳ tuyển sinh đầu vào vẫn không giúp giáo dục ĐH của VN nói chung đạt chất lượng như mong muốn. Hệ thống giáo dục ĐH vẫn còn biết bao vấn đề lạc hậu so với thế giới. Từ những khâu đơn giản như chương trình - chất lượng đào tạo đến những vấn đề quan trọng hơn như nguồn lực, tự chủ và quản trị giáo dục đều cần phải thay đổi mạnh mẽ. Có như thế mới giúp cho sinh viên không vỡ mộng trước hiện trạng của nhiều trường ĐH hiện nay. Có như thế mới đạt được mong muốn như những người tâm huyết với giáo dục ĐH từng trăn trở là ĐH của VN hợp tác bình đẳng với các nước, sinh viên học ở VN có một lợi thế cạnh tranh không thua kém những người du học.

Ở khía cạnh khác, đối với nhiều TS, cũng nên xem lại tầm quan trọng của kỳ thi ĐH. Tất nhiên, vào ĐH là mục tiêu học sinh nào cũng muốn hướng tới nhưng như nhiều người khẳng định: Đó không phải con đường duy nhất để vào đời.

Mỗi người có một thế mạnh, một năng lực khác nhau nên nếu chưa đủ điều kiện và không hợp sở thích thì chưa chắc vào ĐH là con đường dẫn đến thành công. Có bao nhiêu người vào ĐH nhưng rồi không đủ sức đeo đuổi việc học, loay hoay không định hướng. Cũng có không ít người ngay từ đầu chọn hướng đi phù hợp năng lực, đạt đến thành công…

Với nhà quản lý giáo dục, sự kỷ cương, trung thực, minh bạch của kỳ thi tuyển sinh đầu vào ĐH là đòn bẩy, động lực giúp cải tổ những vấn đề còn tồn đọng của giáo dục ĐH. Với các TS, đây không chỉ là cơ hội để hiện thực hóa giấc mơ học hành, đỗ đạt mà còn là dịp để đánh giá được năng lực thật sự. Vì thế, nếu với TS nào đó, kết quả không như mong muốn thì biết đâu con đường sau này mới thật sự phù hợp.

Một kỳ thi nhưng đặt ra nhiều thách thức.

Nhiên An

>> Thí sinh ồ ạt đổ về Hà Nội trước ngày thi đại học
>> Oi bức, nắng nóng trong những ngày thi đại học
>> Người Sài Gòn 'đón khách' thi đại học - Kỳ 1: Ngôi nhà cho cả trăm thí sinh ở miễn phí
>> Cùng thí sinh đến trường thi': Đưa thí sinh đi thi đại học
>> Nhà chùa tiếp sức thí sinh thi đại học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.