Hậu quả của việc lấp sông, rạch

28/08/2015 04:56 GMT+7

"Mưa là ngập" không còn là nỗi kinh hoàng của người dân TP.HCM và Hà Nội mà đã lan rộng ra nhiều đô thị trên cả nước, dễ dàng tới cả những nơi tưởng rằng rất khó ngập.

"Mưa là ngập" không còn là nỗi kinh hoàng của người dân TP.HCM và Hà Nội mà đã lan rộng ra nhiều đô thị trên cả nước, dễ dàng tới cả những nơi tưởng rằng rất khó ngập.

Đà Lạt với địa hình đồi núi, dốc cao cũng ngập; Biên Hòa nằm sát ngay con sông Đồng Nai cũng chìm trong nước chỉ sau khoảng một vài tiếng mưa...
Nghịch lý này là hệ quả của nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân lớn khiến việc chống ngập trở nên khó khăn, thậm chí bế tắc, đó là việc bức tử các dòng sông, kênh, rạch, mương để làm nhà, làm dự án, xây khu đô thị. Khi hệ thống thoát nước tự nhiên này bị chặn lại thì nước chỉ còn cách tràn vào nhà, lên phố và đường sẽ biến thành sông như chúng ta đang chứng kiến. Đó là chưa kể tình trạng lấn chiếm miệng cống, hầm ga, cửa xả... cũng gây ảnh hưởng nặng nề tới việc thoát nước. Tại TP.HCM, theo báo cáo từ Sở Xây dựng, tính đến nay vẫn còn hơn 17.000 căn nhà lấn chiếm kênh, rạch cần phải di dời. Đó là lý do chống ngập của TP nhiều năm qua chưa hiệu quả và giải pháp nạo vét, di dời các hộ lấn chiếm sông, kênh, mương, rạch, cửa xả, hố ga... đang được TP quyết liệt thực hiện để xóa ngập trên địa bàn.

Biên Hòa (Đồng Nai) cũng tương tự. TP này nằm sát sông Đồng Nai, lẽ ra con sông này phải là kênh thoát nước hữu hiệu cho TP mỗi khi mưa lớn. Nhưng trận mưa chỉ hơn 1 giờ đồng hồ đầu giờ chiều 25.8 đã gây ngập lụt cục bộ ở khắp các tuyến giao thông trọng yếu khiến người dân không khỏi lo lắng về hệ quả của việc cấp phép lấp sông Đồng Nai làm dự án. Và đó là thực tế không thể trốn tránh dù bên cạnh đó còn thêm nhiều nguyên nhân khác. Nhưng ngập mới chỉ là hệ quả bước đầu, những tác động về dòng chảy, xói mòn, môi trường, lũ... sẽ còn xảy ra nếu chúng ta không nhanh chóng khắc phục. Thực tế ngay sau vụ lụt, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu TP.Biên Hòa khẩn trương nạo vét, khơi thông dòng chảy, nhằm đảm bảo không gây ứ đọng, ngập nước khi mưa lớn. Tăng cường công tác quản lý đô thị, xử lý dứt điểm các công trình lấn chiếm, trả lại nguyên trạng ban đầu cho các dòng sông, suối, ao, hồ bị thu hẹp nhằm đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ. Đây là giải pháp đúng đắn và hiệu quả nhất trong việc chống ngập không chỉ ở Biên Hòa mà ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Bởi nguyên lý là bít chỗ nào thì thông chỗ đó.
Dự án lấp sông Đồng Nai đã vấp phải sự phản đối của hầu hết các nhà khoa học, các nhà quản lý và người dân. Dự án vẫn chưa có kết luận cuối cùng nhưng đã có thể thấy tác hại của nó. Ngập không chỉ gây ùn tắc, thậm chí tê liệt giao thông; đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân mà còn gây thiệt hại rất lớn về vật chất khi chúng ta phải xử lý các tác hại của nó về sau. Vì vậy, trả lại nguyên trạng cho sông Đồng Nai, cho các kênh, mương, rạch và quản lý chặt việc lấn chiếm của người dân, của doanh nghiệp càng nhanh thì chống ngập càng hiệu quả, đỡ tốn kém và cũng là giải pháp hợp lòng dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.