Hàng ế nhiều sao chưa rẻ?

11/02/2020 04:36 GMT+7

Đó là nghịch lý đang xảy ra trong thời điểm dịch hiện nay. Trong khi rau quả, thủy hải sản ở nhiều địa phương chất đống vì thương lái không mua thì TP.HCM, Hà Nội... giá vẫn cao, không ít người vẫn lo thiếu.

Đầu tiên là giá, đến thời điểm hiện tại 2 loại trái cây bị ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất là thanh long và dưa hấu bán tại TP.HCM đa số giá vẫn cao. Chỉ một số siêu thị tham gia giải cứu mới có loại hàng này với giá rẻ. Điều này xảy ra tương tự với các tôm, cua, ớt, khoai lang tím... chỗ nào rớt giá thê thảm chứ ở TP.HCM giá vẫn ngang bằng hoặc cao hơn trước tết. Nếu có giảm, chỉ giảm so với giá đã được “đôn” cao dịp cận tết mà thôi.
Thứ hai về lượng, phải khẳng định là ở hầu hết các chợ, siêu thị, các hệ thống cửa hàng tiện lợi không thiếu các mặt hàng thiết yếu như rau quả, thực phẩm... Cục bộ một vài điểm mới mở cửa sau tết thì dịch ập đến, nhiều người tâm lý hoang mang tăng mua hơn để tránh phải đi chợ nhiều lần phòng lây nhiễm khiến quầy kệ chưa kịp bổ sung. Còn đến thời điểm hiện tại thì lương thực - thực phẩm khá dồi dào.
Không thiếu, nhưng cũng không hề có hiện tượng “dội chợ” với những mặt hàng mà người nông dân nuôi, trồng đang than “rớt giá thê thảm mà không ai mua” cả chục ngày nay. Điều đó có nghĩa là lượng hàng này chưa hoặc có nhưng rất ít được đưa vào tiêu thụ trong thị trường nội địa. Trong khi suy luận một cách đơn giản, thì nếu chưa thể xuất sang Trung Quốc, các doanh nghiệp bình thường vẫn thu mua phải tìm cách bán tại chợ nhà, được chút nào hay chút đó, nhất là đối với các mặt hàng không thể để lâu. Hàng nhiều, giá có thể giảm hơn chút nhưng kinh doanh là như vậy, giá cả phụ thuộc vào cung cầu, chất lượng. Lúc này, tiêu thụ được là quan trọng nhất. Vậy tại sao lại có hiện tượng hàng nhiều mà ở chính thị trường trong nước lượng chưa tăng, giá chưa giảm?
Chỉ có thể lý giải là nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu những mặt hàng này (do đặc thù sản xuất ở VN đa số quy mô nhỏ, đơn lẻ, dựa trên mô hình kinh tế hộ gia đình nên đa số doanh nghiệp thường thu mua mà thông qua thương lái) không mặn với chuyện tiếp tục thu mua để bán giá rẻ hơn tại thị trường nội địa. Họ vẫn đang chờ cơ hội tiếp tục xuất hàng qua Trung Quốc. Nếu các cơ quan có thẩm quyền chưa thể gỡ khó ở cửa khẩu thì việc giải cứu “buông” cho xã hội.
Năm 2019, VN xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 41 tỉ USD, trong đó nông lâm thủy sản là 7 tỉ USD, hàng hóa qua cửa khẩu đường bộ khoảng 3 tỉ USD, trao đổi cư dân biên giới là 1,2 tỉ USD.
Những doanh nghiệp nào đứng sau kim ngạch khổng lồ này mà cứ để người nông dân chịu trận tất cả các rủi ro từ ông trời cho đến chính sách giao thương xuyên biên giới?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.