Giữ biển

24/06/2016 06:08 GMT+7

Quy Nhơn (Bình Định) vừa được tạp chí Rough Guides (Anh) bình chọn là điểm đến hàng đầu ASEAN và đang dẫn đầu cả nước về đầu tư du lịch. Còn Mũi Né - Phan Thiết, Bình Thuận được xem là “thủ đô” resort của VN.

Nhưng nhìn hình ảnh những áo xanh công nhân vệ sinh, đoàn viên thanh niên miệt mài gom bùn đen, xà bần ở bãi biển đường Xuân Diệu, TP.Quy Nhơn hay nhặt rác ở bãi biển Mũi Né, mà lòng không khỏi lo lắng cho môi trường biển.
Bộ Tài nguyên - Môi trường, Đoàn thanh niên, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường biển, Đài truyền hình VN... đều có nhiều hoạt động làm cho biển sạch đẹp hơn. Có cả nghệ sĩ và chính khách tham gia. Đây là việc làm tích cực, rất cần được khuyến khích và nhân rộng. Tuy nhiên điều mà nhiều người băn khoăn là tính hiệu quả. Việc giữ gìn biển sạch đẹp phải là ý thức, là hoạt động thường xuyên, như hơi thở của cuộc sống người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương; chứ không thể làm theo kiểu phong trào, để quay phim và báo cáo. Không có nước nào tổ chức phong trào như VN cả. Biển - với họ là báu vật, là nguồn sống; không thể xâm hại.
“Chung tay làm sạch biển”, “Hãy làm sạch biển” có gì đó chưa thật ổn về chữ nghĩa. Kẻ xấu có thể xuyên tạc từ “làm sạch”. Thu gom rác, dọn vệ sinh bãi biển và giúp ngư dân là việc cần phải làm ngay nhưng về lâu dài là bảo vệ biển không bị xâm hại. Đừng vội trách ý thức kém cỏi của người dân mà hãy trách kiểu quản lý quá sức lỏng lẻo của chính quyền địa phương. Nghị định xử phạt về xả rác rơi công cộng đã có nhưng kẻ xả rác vẫn vô tư, kể cả cán bộ nhà nước. Chưa ai bị phạt. Nguy hiểm nhất là nguồn thải của các cơ sở kinh doanh, kể cả du lịch, mà đặc biệt nguy hiểm là các nhà máy công nghiệp.
Biển bị ô nhiễm đều do con người. Cá nhân con người trực tiếp xả rác ra biển. Ngăn chặn những hành vi này không khó. Việc dọn dẹp cũng đơn giản. Khó nhất là ngăn ngừa các cơ sở dịch vụ, sản xuất, nhà máy đầu độc biển bằng chất thải hết năm này qua tháng khác, tinh vi với nhiều cấp độ khác nhau. Việc giám sát bình thường đã rất khó. Nếu có sự thỏa hiệp hoặc chống lưng của cán bộ thừa hành thì rất gian nan, thậm chí không thể. Việc khắc phục hậu quả cực kỳ tốn kém, cả tiền bạc lẫn thời gian và khó trả lại nguyên trạng. Cũng cần nói thêm - bãi biển rác là do dân địa phương và khách xả. Nhưng cũng có thể là biển thu gom rác của đại dương (cũng do con người xả trên biển) rồi trả lại đất liền. Mùa gió ngược, số rác này vô kể và biển trả liên tục. Nên đừng vội đổ lỗi cho du khách và dân tại chỗ mà tội nghiệp.
Đã đến lúc phải chọn lựa dứt khoát. Phát triển công nghiệp ven bãi biển hoặc là giữ môi trường biển. Đã đến lúc phải kiểm soát chặt chẽ, từ hành vi xả rác cá nhân đến việc xả thải của các cơ sở, từ dịch vụ đến sản xuất. Nếu du di và thỏa hiệp là coi như hy sinh môi trường sống. Biển lúc đó cũng sạch nhưng là sạch du khách, sạch cá, sạch nguồn hải sản và trở thành biển chết. Biển chết thì người cũng khó sống.
Dọn cho biển sạch đẹp là cần kíp. Quan trọng hơn là giữ cho biển yên bình, không bị xâm hại, luôn sạch đẹp vì đó là môi trường sống, là hơi thở của mỗi con người. Bài học kiên quyết và mạnh tay của TP.Vũng Tàu rất cần được các tỉnh nhân rộng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.