Giáo dục vì học sinh

15/09/2020 04:57 GMT+7

Cứ mỗi khi áp dụng hình thức kỷ luật học sinh, không ít giáo viên, nhà trường phải đắn đo, đôi khi chạnh lòng vì những biện pháp xử phạt này không còn phù hợp với nền giáo dục hiện đại, không mang giá trị nhân văn.

Giáo dục Việt Nam phần nào đã bắt đầu đi chung con đường với nhiều nước trên thế giới khi liên tiếp ban hành những thay đổi, điều chỉnh về đánh giá, xếp loại, kiểm tra học sinh cả trong học tập lẫn đạo đức theo hướng hiện đại, tiến bộ và vì học sinh.
Biết bao thế hệ học sinh Việt Nam cả đời đi học chỉ biết có một bộ sách giáo khoa từ nam chí bắc, từ nông thôn đến thành thị, trong khi mấy chục năm nay giáo viên và học sinh nhiều nước trên thế giới đã có quyền lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.
Năm nay là năm đầu tiên bắt đầu thực hiện chương trình - sách giáo khoa mới từ lớp 1. Chắc chắn trong quá trình thực hiện sẽ còn rất nhiều những bất cập, thậm chí có sai sót nhưng rõ ràng sự đổi mới này là cần thiết, giúp giáo dục Việt Nam phần nào hòa cùng dòng chảy với thế giới.
Những năm gần đây, cứ mỗi khi áp dụng một hình thức kỷ luật học sinh, không ít giáo viên, nhà trường phải đắn đo, đôi khi chạnh lòng vì những biện pháp xử phạt này không còn phù hợp với nền giáo dục hiện đại, không mang giá trị nhân văn.
Nhưng vì đã là quy định nên vẫn phải đau lòng xử phạt học sinh. Sau 30 năm, những kiến nghị từ thực tế đã được Bộ GD-ĐT điều chỉnh trong dự thảo thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh thay thế thông tư trước đây. Trong đó có nhiều điểm được xem là nhân văn, tiến bộ như không còn điều khoản “buộc thôi học” học sinh như trước; cũng không còn hình thức khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường. Đặc biệt, bỏ tất cả hình thức kỷ luật đối với học sinh tiểu học.
Đánh giá học sinh bằng các kỳ kiểm tra cứng nhắc và chỉ thông qua điểm số trong từng bài kiểm tra tuy có những mặt mạnh nhưng hiện nay cũng không còn phù hợp với xã hội đương thời. Đó là khi mỗi học sinh có những ưu thế khác nhau và giáo viên phải biết cách khơi mở năng lực của từng học sinh. Chưa kể, cách đánh giá, kiểm tra hiện hành đã là một trong những nguyên nhân tạo áp lực trong học tập, khiến học sinh chỉ biết kiến thức sách vở, thiếu thực tế, thiếu trải nghiệm.
Từ năm học này, thông tư của Bộ GD-ĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế, đánh giá xếp loại học sinh THCS và THPT bắt đầu chính thức áp dụng. Học sinh sẽ được giảm số đầu điểm kiểm tra, không còn hình thức kiểm tra 1 tiết, đa dạng hóa hình thức kiểm tra, tăng nhận xét trong đánh giá... Học sinh tất nhiên hồ hởi đón nhận sự thay đổi này vì không những giúp giảm áp lực mà còn tạo niềm vui trong học tập. Giáo viên sẽ phải thay đổi nhưng thật sự được tạo điều kiện để sáng tạo, đổi mới…
Những thay đổi này là một tín hiệu vui cho thấy giáo dục Việt Nam đi đúng hướng, tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới. Không những thế, những đổi mới này đều xoay quanh và hướng về người học, vì sự tiến bộ của học sinh, giúp học sinh phát triển phù hợp với năng lực của mình.
Đây là những mong muốn mà xã hội chờ đợi đã lâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.