Giáo dục và nêu gương

20/06/2013 03:00 GMT+7

Một lần đưa người thân đến sân bay quốc tế Đà Nẵng, thấy trước quầy làm thủ tục đã có nhiều hành khách nước ngoài đứng xếp hàng ngay ngắn và trật tự. Cạnh đó nhiều hành khách Việt Nam trẻ tuổi vừa ồn ào lại vừa không chịu xếp hàng, họ chen ngang vào quầy và chẳng một chút xấu hổ khi bị các khách nước ngoài mời ra.

Họ cười nói như không lúc quay ra sau xếp hàng.

Một lúc sau, nhiều người khách nước ngoài tự động xé những băng giấy ký gửi hành lý của chuyến bay trước để nhân viên làm thủ tục dán những băng giấy mới. Tất cả họ đều cẩn thận cầm những mẩu giấy cũ trong tay và đi tìm thùng rác. Trong khi các hành khách trẻ tuổi của chúng ta mà tôi vừa nhắc lại thản nhiên vứt những giấy gói kẹo cao su xuống sàn nhà trước cái nhìn là lạ của một cô gái tóc vàng!

Chỉ có hai biểu hiện đó thôi trước quầy làm thủ tục lên máy bay: không xếp hàng và vứt rác bừa bãi của những người bạn trẻ vừa kể, đã cho thấy trình độ thể hiện văn minh nơi công cộng rất thấp của một số người trẻ.

Lại một chuyện khác: Khi lái xe ra khỏi cổng, tôi chứng kiến cảnh thiếu văn minh khác của hai lái xe chạy trước. Một chị bấm cửa kính vứt mẩu giấy trả phí vào nhà ga bay xuống đường, trong khi một anh búng mẩu thuốc lá vừa hút bay vèo lên vỉa hè. Hai hành vi này không có ai nhìn bằng ánh mắt là lạ, vì đang trên đường xe chạy. Nhưng cách hành xử đó gợi nhớ đến câu nói: Văn minh trước hết là thái độ trách nhiệm tự giác với cộng đồng của một nhà văn lớp trước.

Cùng ý nghĩa đó, các nhà xã hội học đô thị lại quan tâm đến khía cạnh “liên đới” trong đời sống thị dân. Theo đó, một hành vi dù nhỏ nhất của cư dân đô thị luôn ảnh hưởng nhanh chóng đến các cư dân khác trong cộng đồng. Chính tính liên đới tức thì đó khiến việc quản lý đô thị chỉ trở nên dễ dàng khi có được sự tự giác cao của mỗi cư dân.

Đó là câu chuyện không chỉ riêng ở Đà Nẵng, nơi đang xây dựng chương trình dài hơi “xây dựng nếp sống văn minh đô thị” với mục tiêu trở thành “đô thị đáng sống”. Tuy vậy, chỉ trong vòng 20 phút đến sân bay quốc tế vừa mới xây dựng khang trang cách đây không lâu, tôi đã chứng kiến những cảnh rất phản cảm như vừa trình bày, là rất đáng tiếc. Đáng tiếc hơn là những hành vi đó lại thuộc về những bạn còn rất trẻ, họ là những người chủ trong tương lai của thành phố!

Suy cho cùng, một “đô thị đáng sống” hay không, đâu chỉ lệ thuộc vào tác phong, cách thể hiện trách nhiệm của nhân viên công quyền các cấp hay của cảnh sát giao thông, công an khu vực hoặc các nhà quản lý đầu tư…Nó còn là trách nhiệm, nỗ lực không ngừng của từng công dân sở tại. Mà điều này còn là kết quả của một quá trình giáo dục lâu dài khi công dân ấy còn ngồi trên ghế nhà trường và cả sự tự giác nêu gương của những người lớn vậy!

Nguyễn Sông Hàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.