Giáo dục nghề không phải dễ

28/11/2014 04:40 GMT+7

Vấn đề được bận tâm và là khó khăn trước nay ở bậc giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa được giải quyết dù Quốc hội đã thông qua luật Giáo dục nghề nghiệp vào hôm qua. Đó là bộ nào sẽ quản lý hệ thống giáo dục này?

Lâu nay, ở VN, trình độ trung cấp, cao đẳng phân tách thành 2 bộ phận do 2 bộ thực hiện quản lý nhà nước.

Bộ LĐ-TB-XH quản lý hệ thống dạy nghề với các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề còn Bộ GD-ĐT quản lý hệ thống giáo dục chuyên nghiệp gồm TCCN và cao đẳng. Dù khung chương trình và mục tiêu đào tạo của 2 hệ thống này không khác nhau bao nhiêu nhưng do 2 bộ quản lý nên dẫn đến nhiều chồng chéo, bất cập, phân tán nguồn lực, lãng phí trong đầu tư… Thực tế này khiến nhu cầu phải thống nhất về một mối là hết sức cấp bách và cần thiết. Không biết bao nhiêu hội thảo, diễn đàn, các phát biểu chính thức hay không chính thức đều thể hiện mong mỏi này. Mọi người hy vọng luật Dạy nghề khi được chuyển thành luật Giáo dục nghề nghiệp và được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết vấn đề quan trọng này.

Tuy nhiên, chỉ có 34% phiếu nhất trí giao cho Bộ LĐ-TB- XH làm đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; 29,4% giao cho Bộ GD-ĐT; 28,6% đề nghị giao Chính phủ phân công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn… Điều này dẫn đến kết quả dù luật Giáo dục nghề nghiệp thông qua nhưng không giao bộ nào mà đưa Chính phủ quản lý về mặt nhà nước, giữ nguyên quy định như trong luật Dạy nghề hiện hành.

Thật ra cơ quan nào quản lý về mặt nhà nước không quan trọng, đó chỉ là hình thức bên ngoài. Vấn đề là hiệu quả và tập trung, thống nhất. Làm thế nào để tiết kiệm ngân sách và để hệ thống giáo dục này phát triển chứ không lẹt đẹt như hiện nay. Làm thế nào để cải thiện hình ảnh của hệ thống giáo dục chuyên nghiệp hay dạy nghề mà 2 bộ quản lý trong thời gian qua. Thực tế hiện nay hệ thống trường nghề do Bộ LĐ-TB-XH quản lý dù được đầu tư tiền tỉ nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả, có năm bậc CĐ nghề chỉ tuyển được khoảng 20% chỉ tiêu đề ra. Bậc TCCN do Bộ GD-ĐT quản lý nhiều năm qua cũng hết sức khó khăn để thu hút người học. Có những trường chỉ tuyển được dưới 50% so với chỉ tiêu. Tình trạng này cũng đang diễn ra với bậc CĐ do bộ này quản lý. Làm thế nào để học sinh và phụ huynh không còn tâm lý giáo dục nghề nghiệp là lựa chọn cuối cùng, kiểu “chuột chạy cùng sào mới vào nghề nghiệp”.

Dù chưa thống nhất được cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp nhưng Quốc hội lại thông qua việc mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng hợp nhất các trình độ đào tạo TCCN với trung cấp nghề, cao đẳng với cao đẳng nghề. Điều này dự kiến sẽ phát sinh những khó khăn về mặt quản lý. Lúc bấy giờ có thể phải quy định cụ thể những ngành nghề nào do bộ nào đào tạo…

Mấu chốt của luật Giáo dục nghề nghiệp là làm sao thống nhất sự quản lý hệ thống giáo dục này mà lâu nay còn quá nhiều chồng chéo, gây ra lãng phí như đã nêu. Thế nhưng, kết quả trên cho thấy ý kiến đại biểu về vấn đề này còn chưa tập trung dù Quốc hội vẫn thông qua luật. Xem ra, việc thực hiện luật này trong thực tế sẽ phải đòi hỏi nhiều công sức, thời gian...

Nhiên An

>> Thống nhất giáo dục nghề nghiệp, người học được gì ?
>> Điều chỉnh khung học phí giáo dục nghề nghiệp và đại học
>> Phải thống nhất một hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.