Giáo dục để chia sẻ và chữa lành

18/09/2021 07:45 GMT+7

Hơn 1.500 học sinh TP.HCM mồ côi cha mẹ vì Covid-19 chỉ sau một mùa hè ngắn ngủi.

Từ con số thống kê vừa được Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra, có thể nhận thấy những mất mát, đau thương khó có thể đo lường và bù đắp được trong đời sống tinh thần các em khi năm học mới bắt đầu nhưng thiếu vắng bàn tay cha mẹ lo lắng, chăm sóc chu đáo như mọi năm.

Covid-19 sáng 18.9: Cả nước 667.650 ca nhiễm, 433.465 ca khỏi | Số ca nhiễm ở TP.HCM đang giảm

Đại dịch để lại nỗi mất mát lớn cho xã hội, và tạo ra những dư chấn nặng nề cho con trẻ, điều này đã được UNICEF báo động từ hơn một năm trước. Tổ chức này chỉ ra rằng, sự xáo trộn đời sống, mất cơ hội giáo dục và phát triển, thậm chí rơi vào cảnh thiếu thốn đói nghèo, tương lai mờ mịt u ám là những mối đe dọa đáng lo ngại đối với thế hệ trẻ em sinh trưởng trong thời đại dịch Covid-19. Từ đó, việc tạo ra những hoạt động, thiết chế hỗ trợ, chữa lành và định hướng cho các em là điều mà gia đình, nhà trường và xã hội cần lưu tâm đặc biệt.
Trong điều kiện giãn cách, việc giảm nhẹ áp lực học hành bằng những chương trình rút gọn, loại bỏ những kiến thức thừa thãi, tư duy thành tích nặng nề để ưu tiên mở rộng thêm các buổi sinh hoạt trực tuyến, giúp học sinh có thể gặp gỡ, tương tác, chuyện trò chia sẻ với bạn bè nhiều hơn là điều mà các nhà trường cần làm. Hội phụ huynh có thể tổ chức những buổi gặp gỡ, để các em có thể trò chuyện về tương lai trong tinh thần gần gũi; bàn bạc hỗ trợ các em mồ côi được xoa dịu về tâm lý, vật chất đảm bảo việc học.
Trong việc triển khai học trực tuyến, các trường học nhất thiết phải có những thăm dò để biết hoàn cảnh mất mát, khó khăn đặc biệt, kịp thời chủ động hoặc kêu gọi cộng đồng hỗ trợ phương tiện học liệu, máy móc để các em không bị tước mất cơ hội, không chìm sâu vào buồn tủi và mặc cảm.
Tại Nhật Bản và nhiều nước phương Tây, khi cổng trường mở cửa trở lại, đã có những nghiên cứu cho thấy sau một thời gian giãn cách, nhiều học sinh đã mắc chứng trầm cảm. Và các kênh trao đổi, tham vấn tâm lý trị liệu dành cho các em được nhà trường và các nhóm trị liệu tâm lý cộng đồng miễn phí mở ra kịp thời. Đồng thời, một chương trình học tinh gọn kiến thức, tạo tâm lý thoải mái cho học sinh được triển khai thực tế.
Trong bối cảnh này, đã đến lúc TP.HCM cần mở những kênh tư vấn tâm lý trực tuyến dành cho học sinh để qua đó, các em được lắng nghe, chia sẻ và hóa giải những sang chấn trong đại dịch.
Chính quyền cũng cần có những định hướng uyển chuyển, hợp lý trong chương trình giáo dục bám chắc với thực tiễn từng địa phương, thậm chí từng hoàn cảnh.
Cũng từ trên nền tảng đó, xã hội kỳ vọng nhiều hơn vào một nội dung giáo dục triệt tiêu áp lực, gia tăng tính nhân văn. Ở đó, áp lực thành tích thi đua cần tháo gỡ, nhường chỗ cho tri thức của tình liên đới, sự quan tâm và chữa lành, bù đắp cho những tổn thương tinh thần mà đại dịch gây ra cho một thế hệ học sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.