Giảm thuế mới có nguồn mà thu

05/11/2014 04:20 GMT+7

Không một quốc gia nào khi nền kinh tế suy giảm, khó khăn mà họ lại đi tăng thuế. Ngược lại, còn phải giãn, giảm, xóa nợ thuế để nuôi dưỡng nguồn thu. Đó là học thuyết kinh điển và kinh nghiệm thực tiễn đã chứng minh ngân sách chỉ có tăng chứ không bao giờ thất thu được.

Tờ trình của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội (QH) lần này đưa ra một loạt những chính sách ưu đãi về thuế suất, giảm thuế và xóa nợ tiền chậm nộp và lãi phạt do chậm nộp. Chủ trương này rất cần được ủng hộ trong hoàn cảnh rất đỗi khó khăn hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Bởi nó thể hiện tinh thần của nhà nước luôn luôn chia sẻ với người dân, DN trong cơn bão “chấn thương”, giải thể, phá sản.

Về nguyên tắc giảm thuế, tính toán số học sẽ ra ngay một con số giảm thu bao nhiêu tiền. Tính như vậy không khó, nhưng lại thể hiện cái nhìn rất ngắn hạn. Nếu mở nhãn quan xa hơn, khi DN được chia sẻ, họ sẽ có niềm tin, có động lực để vượt qua khó khăn, giông tố. Còn khi đã mất niềm tin ắt sẽ mất hết tất cả.

Thực tế, việc cắt giảm thuế có sức lan tỏa rất lớn, nó cứu được các DN đang chới với, đứng trước ngưỡng cửa phải giải thể, phá sản. Khi được cứu, được hồi sinh sản xuất kinh doanh phát triển lên, thị trường mở rộng, hàng hóa lưu thông, cục máu đông nợ xấu được đánh tan. Hiệu ứng đó lập tức khiến số thuế sau này tăng lên rất nhanh.

Bằng chứng 20 năm qua, từ ngày đất nước đổi mới nhà nước cắt giảm thuế rất nhiều lần. Đơn cử thuế giá trị gia tăng trước đánh thuế suất 20% nay giảm xuống 10%, một số mặt hàng thiết yếu còn 5%; thuế thu nhập DN từ thuế suất 32% giảm xuống 28%, rồi 25% và đến nay một số DN được áp 20%. Kết quả nguồn thu ngân sách vẫn tăng đều đặn không ngừng, bình quân không dưới 10% một năm. Đặc biệt thuế thu nhập cá nhân vừa qua, chúng ta tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 4 triệu lên 9 triệu đồng; tăng mức giảm trừ cho một người phụ thuộc 1,6 triệu đồng lên 3,2 triệu đồng… cộng lại do được nuôi dưỡng, người dân tăng thu nhập nộp thuế nhiều hơn và tình trạng trốn thuế, nợ thuế đã giảm hẳn.

Ngay trong năm 2014, sau khi thực hiện việc miễn, giãn và giảm thuế đến 9 tháng số thu ngân sách đạt 80% kế hoạch cả năm. Bộ Tài chính vui mừng báo cáo lên QH dự kiến năm nay vượt thu tối thiểu 10% chỉ tiêu QH giao.

Cứ cố tăng thu, không điều tiết giảm thì làm sao nuôi dưỡng được nguồn thu, làm sao lan tỏa được niềm tin nơi cộng đồng DN. Còn việc xóa nợ thuế, thiết nghĩ cũng là cần thiết bởi các trường hợp được xóa đã có tiêu chí, điều kiện rõ ràng và cụ thể. Mà thực tế, nếu cứ cố “đè” DN ra thu thì cũng không thể thu được khi nhiều trường hợp DN giải thể, phá sản đã chết rồi. Để treo lại số nợ đó nhà nước khổ tâm, mất công đi đòi mà không được, như vậy càng tốn công vô ích.

Thay vì băn khoăn có nên giảm thuế hay không, cái mà cử tri kỳ vọng nhất hiện nay là QH cần phải có tiếng nói “trọng lượng”, mạnh mẽ hơn đối với chi tiêu của Chính phủ. Giảm thuế mà lo thất thu thì việc chi tiêu vô tội vạ cho hội nghị, hội thảo, đi nước ngoài; chi cho bộ máy công chức cồng kềnh không hiệu quả có tốn kém, có vung tay quá trán không? Không có quốc gia nào đang bội chi, phải đi vay nợ mà chi thường xuyên lên tới hơn 70% tổng chi ngân sách hằng năm. Đó mới là vấn đề các đại biểu đáng bàn, đáng suy ngẫm.

TS Lê Đăng Doanh

>> Giảm thuế cứu doanh nghiệp
>> Giảm thuế, đừng sợ giảm thu
>> Giảm thuế TNDN càng nhanh càng tốt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.