Giảm thiệt hại ngân sách do giá dầu

05/12/2014 04:41 GMT+7

Thông tin " giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách sẽ thất thu 1.000 tỉ đồng" đang gây lo lắng, nhất là trong bối cảnh ngân sách eo hẹp và xu hướng giảm của dầu thô được dự báo sẽ còn tiếp tục.

Tất nhiên, chúng ta không thể "hãm" đà giảm của giá dầu thô trên thế giới nhưng giảm thiệt hại cho ngân sách từ chính việc này thì không phải là không làm được.

Vì VN không chỉ xuất khẩu dầu thô mà còn nhập khẩu xăng dầu thành phẩm. Thậm chí ngoại tệ bỏ ra nhập khẩu xăng dầu còn cao hơn thu từ xuất khẩu dầu thô. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2014 giá trị xuất khẩu dầu thô đạt 6,32 tỉ USD nhưng nhập khẩu xăng dầu lại tiêu tốn tới 6,83 tỉ USD. Nói thế để thấy, nếu ta bán ra rẻ thì mua vào cũng rẻ. Xuất khẩu chịu thiệt thì nhập khẩu hưởng lợi. Vấn đề là trong khi phần thiệt rất rõ ràng, cụ thể thì cái lợi lại bị mỗi nơi "cấu" một ít và trở nên teo tóp.

Đầu tiên là do giá xăng dầu trong nước giảm chậm hơn so với giá thế giới. Tính đến lần giảm gần đây nhất và cũng là lần giảm thứ 10 vào cuối tháng 11 vừa qua, giá xăng dầu trong nước cũng mới chỉ giảm khoảng 12% so với mức trên 28% của giá xăng dầu thế giới. Với tốc độ giảm quá chậm này, ngành xăng dầu trong nước đã tước đi một phần lợi lẽ ra người dân và các nhà sản xuất trong nước được hưởng. Rồi việc cước vận tải chây ì không chịu giảm theo xăng, giá hàng hóa cũng vin vào đó để đứng im - tiếp tục làm teo tóp cái lợi. Kết quả là xuất khẩu giảm thì phần thiệt ngân sách phải chịu nhưng nhập khẩu lợi lại không tạo được hiệu ứng lan tỏa cho nền kinh tế.

Nếu nhìn ở góc độ này, chúng ta hoàn toàn có thể cân bằng giữa cái thiệt và cái lợi để ngân sách không bị ảnh hưởng quá nặng từ việc giá dầu thô giảm mạnh. Đó là buộc giá xăng dầu, cước vận tải, giá hàng hóa tiêu dùng phải giảm một cách sòng phẳng. Từ đó, tạo hiệu ứng lan truyền vào sản xuất, kích thích tiêu dùng, mở cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn, tăng trưởng kinh tế và tăng nguồn thu cho ngân sách. Việc này thiết nghĩ cũng không quá khó khi giá xăng dầu và mới đây là giá cước đã được đề nghị đưa vào những loại giá do nhà nước quản lý.

Ngân sách bị ảnh hưởng từ giá dầu thô giảm mạnh cũng buộc chúng ta sử dụng nguồn vốn này thận trọng và hiệu quả hơn. Đó là siết chặt hơn nữa những khoản đầu tư công không hoặc chưa cần thiết. Siết chặt hơn nữa những đề xuất xây trụ sở, văn phòng đang trở lại ở nhiều địa phương. Thực hiện hiệu quả việc tinh giản bộ máy hành chính cồng kềnh để giảm chi thường xuyên. Về lâu dài, giảm thu từ xuất khẩu tài nguyên và tăng thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Có như vậy, nguồn thu mới bền vững.

Nếu chúng ta coi đây là cơ hội để cải cách cơ cấu nguồn thu ngân sách cũng như tạo ra một thị trường lành mạnh, công bằng cho cả người dân và doanh nghiệp, không phải là không thể làm được.

Nguyên Hằng

>> Giá dầu giảm 1 USD, ngân sách mất 1.000 tỉ đồng
>> Kinh tế thiệt hại vì giá dầu giảm
>> Đại chiến giá dầu thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.