Giải pháp nằm ở thái độ

Huỳnh Sang
Huỳnh Sang
23/04/2019 04:56 GMT+7

Cầu thủ Việt kiều về nước thi đấu để có cơ hội cống hiến tài năng cho bóng đá nước nhà không phải là vấn đề mới. Nhưng sau thành công của thủ môn Đặng Văn Lâm (Việt kiều Nga), câu chuyện này có vẻ nóng hơn, dồn dập hơn.

Sau thành tích quốc tế sáng chói vừa qua, HLV Park Hang-seo và các cầu thủ U.22, U.23 và tuyển VN được giao chỉ tiêu đoạt HCV SEA Games 2019, vào chung kết giải U.23 châu Á, tìm cách đoạt vé tham dự Olympic Tokyo năm 2020... Để đáp ứng những kỳ vọng đó, thầy Park và đội ngũ trợ lý rất cần mở rộng diện tuyển chọn tài năng. Đó không chỉ là nguồn cầu thủ trong nước, mà cả các tài năng Việt kiều đang thi đấu ở nhiều nước, nhất là châu Âu.
Chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng bỗng trở nên phức tạp khi có luồng ý kiến khác biệt đặt ra nhiều vấn đề đối với cầu thủ Việt kiều và hoài nghi khả năng đóng góp của họ như: khó khăn về quốc tịch, khác biệt về ngôn ngữ, mức độ hòa nhập, thích nghi... kể cả việc lấy đâu ra kinh phí, nhân lực để theo dõi và tuyển chọn họ?
Những vấn đề đặt ra không phải không có lý nhưng lại nói lên thái độ của những nhà hoạch định tương lai bóng đá Việt, là có thật sự muốn tạo điều kiện cho các cầu thủ Việt kiều đóng góp công sức cho quê hương hay không?
Thời gian qua, cầu thủ VN rất vất vả khi thi đấu ở nước ngoài. Nhìn cái cách Văn Lâm, Xuân Trường, Công Phượng... mất thời gian, công sức để cạnh tranh, giành giật từng phút ra sân với đồng nghiệp mới thấy trải nghiệm quốc tế đáng giá như thế nào. Nhưng với lực lượng cầu thủ Việt kiều, họ đã có sẵn tố chất, trải nghiệm, năng lực chuyên môn ở môi trường chuyên nghiệp quốc tế. Vì vậy chúng ta càng phải biết trân trọng, mời gọi, đón nhận sự đóng góp của họ cho các cấp độ đội tuyển VN, nhất là trong bối cảnh người hâm mộ kỳ vọng những thành tích lớn hơn trong tương lai.
Lúc này, VFF cần “kích hoạt” Hội đồng huấn luyện viên quốc gia, để có cơ hội chứng tỏ tính hữu dụng cho sự tồn tại của mình. Họ cùng với đội ngũ trợ lý của HLV Park Hang-seo phải “tung quân” săn tìm cầu thủ Việt kiều thay vì ngồi chờ tài năng đến “gõ cửa”.
Đảng, Nhà nước đã khẳng định “kiều bào ta là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc VN”. Từ chủ trương đó, kể từ ngày đất nước đổi mới cho đến nay, hầu hết các lĩnh vực như khoa học, giáo dục, văn hóa, kinh tế, xã hội... đều có đông đảo trí thức và doanh nhân Việt kiều bằng nhiều cách đã góp công, góp sức cho sự phát triển của đất nước. Đã vậy thì không có lý do gì trong lĩnh vực thể thao, mà nhất là bóng đá - môn thể thao vua thể hiện tính đại chúng, kết nối rộng khắp mọi tầng lớp lại “bảo thủ” trước xu hướng cầu thủ Việt kiều về quê phụng sự.
Còn làm cách nào để vượt qua những trở ngại trong việc tìm nhân tài bóng đá Việt kiều, nếu chúng ta tiếp cận vấn đề với thái độ nghiêm túc, tự khắc sẽ tìm được giải pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.