Giải pháp của mọi giải pháp

23/12/2020 04:33 GMT+7

Hàng loạt báo cáo của các tổ chức kinh tế và truyền thông thế giới đều có chung nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong năm 2021.

WB còn dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam ước đạt 2,8%, trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm 4% do dịch Covid-19.
Việt Nam dự kiến có thặng dư xuất khẩu hàng hóa lớn nhất từ trước đến nay, đồng thời dự trữ ngoại hối tăng. Dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh... cho thấy Việt Nam không chỉ kiểm soát tốt dịch bệnh mà đã tận dụng khá tốt lợi thế của sự an toàn, ổn định.
Nhưng có 2 vấn đề khiến chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc về việc Việt Nam phải làm gì để thực sự tận dụng các lợi thế cạnh tranh về sự an toàn và ổn định vĩ mô. Thứ nhất, các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI ở Việt Nam còn cho thấy sự yếu kém của bộ máy công quyền chậm được cải thiện, phí “bôi trơn” tăng lên và tham nhũng vặt vẫn là căn bệnh kinh niên.
Thứ hai, khoảng cách kinh tế giữa Việt Nam với các nước trong khu vực cũng ngày càng doãng ra. GDP bình quân đầu người quy đổi ra USD năm 2020 ước đạt 2.750 USD, tăng gần 35,6 USD so với năm 2019; nhưng trong khi đó Singapore là hơn 58.000 USD, Malaysia là gần 12.000 USD, Thái Lan hơn 5.500 USD... Đến năm 2038, VN mới có thể bắt kịp năng suất lao động của Philippines và đến năm 2069 mới có thể bắt kịp Thái Lan.
Báo cáo “Việt Nam 2035 - Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”, do các chuyên gia WB và Việt Nam thực hiện dự đoán khá lạc quan, cho rằng Việt Nam nếu duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm sẽ có thể nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035. Nhưng báo cáo này cũng đồng thời đề xuất nhiều khuyến nghị quan trọng, đặc biệt là cải cách thể chế. Các chuyên gia WB cho rằng Việt Nam đang có nguy cơ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình thấp và khó thoát ra khỏi tình trạng này nếu không có các giải pháp cải cách mạnh mẽ, quyết liệt.
Kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ tăng tốc mạnh nếu chúng ta giải quyết được các tồn đọng lâu nay, đó là sự than phiền về sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, là chi phí ngầm kéo lùi sự phát triển; là sự chồng chéo, rườm rà về mặt thủ tục trong lĩnh vực thuế, hải quan, giải phóng mặt bằng…
Cải cách thể chế luôn được coi là “giải pháp của mọi giải pháp” để phát triển doanh nghiệp và khơi thông các nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế. Hiểu đơn giản, đó là tháo gỡ các “rào cản” trong hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính, cơ chế quản lý với mục tiêu giảm sự phức tạp và gánh nặng không cần thiết được tạo ra bởi sự quan liêu, “giấy tờ” nhằm nâng cao hiệu quả môi trường pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.