Gạn đục khơi trong

01/03/2015 03:00 GMT+7

Dư luận xã hội đang quan tâm chăm sóc kỹ chuyện lễ hội. Ở một nước có tới hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ một năm, tập trung hầu hết vào tháng giêng thì việc chú mục, săm soi lễ hội cũng không có gì lạ. Khen chê đủ cả nhưng dường như sự phê phán, lo âu, quan ngại về lễ hội đang có chiều lấn át.

Dư luận xã hội đang quan tâm chăm sóc kỹ chuyện lễ hội. Ở một nước có tới hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ một năm, tập trung hầu hết vào tháng giêng thì việc chú mục, săm soi lễ hội cũng không có gì lạ. Khen chê đủ cả nhưng dường như sự phê phán, lo âu, quan ngại về lễ hội đang có chiều lấn át.

Biết làm sao khi sự thực phô bày quá rõ ràng. Tuy nhiên không phải tất cả lễ hội xứ ta đều vướng màu xám xịt như vậy.
Nói một cách giản dị, lễ hội bao gồm cả phần lễ và phần hội. Lễ thì trang trọng, chứa đầy ý nghĩa; hội thì đông vui, lôi cuốn mọi người. Cha ông ta trong suốt chiều dài dựng nước giữ nước đã từng tổ chức những lễ hội đậm màu lịch sử, chứa đầy ý nghĩa, trở thành phần không thể thiếu của xã hội đương thời. Có những lễ hội tầm bậc vua chúa cung đình, lại có lễ hội dân dã chỉ dành cho nơi làng xã, dù gì chăng nữa vẫn nổi bật lên giữa muôn vàn lễ hội cộng đồng. Đó là những lễ hội mang tính giáo dục rất cao, rèn đúc con người cả quan chí dân về phẩm chất tốt đẹp, tạo hiệu quả xã hội cực kỳ sâu sắc. Tôi muốn nhắc đến hai trong nhiều lễ hội như vậy: Hội đền Đồng Cổ (Hà Nội) và lễ hội Minh thề chống tham nhũng ở đình - chùa Hòa Liễu (Hải Phòng).
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư của các sử gia Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, hội thề đền Đồng Cổ có khởi nguồn từ thời Hùng Vương, qua các triều Lý, Trần, Lê… từ chỗ là lễ biết ơn thần linh giúp sức dẹp giặc đã ngày càng đượm ý nghĩa xã hội. Từ bậc hoàng đế tới hạng quan nhỏ, lễ hội này là dịp để cam kết, chứng minh phẩm chất trong sạch, sự mẫn cán của mình, thề “làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”. Một khi hàng ngũ lãnh đạo đã gương mẫu thế, mà lời thề trước thần linh cũng có nghĩa là thề trước muôn dân, thì bộ máy nhà nước khi ấy sẽ vận hành tốt hơn, trơn tru hơn bởi luôn có sự giám sát vô hình. Nếu làm sai, dù vua, quan hay dân đều phải tự thẹn với lời thề. Sử gia Ngô Sĩ Liên ghi rằng “Cùng lòng cùng đức, tất sự nghiệp có thể thành. Có vua có tôi, gian hiểm gì cũng vượt qua được” (Đại Việt sử ký toàn thư, NXB VH-TT, 2010, trang 170). Lễ hội như thế, quả thật không chỉ là chuyện đông vui mà là thượng tôn cái trách nhiệm với dân với nước.
Vài năm trở lại đây, báo chí truyền thông thường nhắc đến lễ hội Minh thề chống tham nhũng được tổ chức ở đình - chùa Hòa Liễu (H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng). Điều độc đáo của lễ hội này là hết sức tự nhiên, dân dã. Theo cuốn Kiến Thụy xưa và nay (NXB Lao Động, 2009) thì lễ hội này ra đời cách nay hơn 500 năm. Dù chỉ thu hẹp trong phạm vi làng xã nhưng nội dung của lễ hội Minh thề lại có thể áp dụng cho bất cứ nơi nào, cấp nào. Mọi hương chức địa phương cũng như những người dân tham gia lễ hội đều phải thề và chứng kiến giữa thanh thiên bạch nhật lời thề nghiêm túc, trang trọng “quan thì làm việc công tâm, không tư túi, tham nhũng của công; không dùng quyền uy để chèn ép bóc lột của dân, không bao che tội phạm…; dân thì giữ lòng trung thực, ngay thẳng, chăm chỉ làm việc, không tham lam vơ vét... Nếu làm tôi bất trung, làm con bất hiếu thì thần linh sẽ tru diệt”.
Những phàn nàn về sự không hay nọ kia của lễ hội nơi này nơi khác rồi sẽ qua đi, chỉ mong rằng theo dòng thời gian trôi, những lễ hội “có vấn đề” đi ngược xu thế phát triển của xã hội sẽ ngày càng thu hẹp lại, và những lễ hội đầy ý nghĩa nhân sinh, đạo đức, tích cực, cao đẹp trong việc tạo dựng nhân cách con người, như hội thề Đồng Cổ, lễ hội Minh thề sẽ ngày càng được tôn vinh, mở rộng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.