Đừng vì khó mà không dám làm

20/12/2020 06:40 GMT+7

Xe đạp công cộng phục vụ người dân di chuyển chặng đường ngắn ở những khu phố trung tâm TP.HCM liệu có là một nét chấm phá mới cho bức tranh giao thông nội đô TP.HCM?

Mới đây Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (Công ty Trí Nam) đề xuất đầu tư thí điểm 388 xe bố trí ở 43 vị trí tại khu vực Q.1 và dọc dự án tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt trên đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu (Q.3). Nhà đầu tư cũng mạnh dạn đưa các giải pháp công nghệ như định vị GPS, khóa thông minh, ứng dụng điện thoại thông minh vào phương án quản lý, sử dụng xe đạp.
Kỳ vọng bổ sung một loại phương tiện giao thông vừa thân thiện môi trường vừa tăng tính kết nối với các phương tiện giao thông công cộng vào danh sách những phương tiện giao thông công cộng nội đô nên được xem là một kỳ vọng đáng trân trọng. Dù biết rằng, sẽ có hàng loạt rào cản được nhắc ra thách thức tính khả thi của đề xuất đưa xe đạp công cộng vào khai thác. Mật độ ô tô, xe máy dày đặc ở TP.HCM dường như chẳng chừa lại chút không gian riêng nào cho xe đạp. Thời tiết nắng nóng và những bất tiện về trang phục khi sử dụng xe đạp cũng là lý do có thể khiến không ít người ngại sử dụng xe đạp để di chuyển. Và, những khía cạnh khác liên quan đến việc quản lý sử dụng loại phương tiện công cộng này.
Bàn về thách thức thì cũng nên bàn về cơ hội liên quan. Những thách thức vừa nêu đúng là sẽ đặt ra cản lực rất lớn đối với đề xuất đầu tư xe đạp công cộng ở TP.HCM. Nhưng, nếu TP.HCM có thêm một vài tiền đề quan trọng nữa thì cơ hội dành cho xe đạp công cộng sẽ không còn quá chật hẹp như lần đề xuất trước đây (2017).
Nếu TP.HCM sớm đưa tàu điện ngầm vào hoạt động, nếu TP.HCM triển khai các tuyến đường dành riêng cho xe buýt, nếu TP.HCM gia tăng các biện pháp hạn chế xe cá nhân vào các quận trung tâm thì xe đạp công cộng sẽ là một lựa chọn hữu ích để người dân kết nối và tăng mức độ tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng. Điều này sẽ giúp giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm tình trạng kẹt xe và giảm áp lực cho môi trường thành phố.
Và một tiền đề rất quan trọng khác là TP.HCM cần tăng cường truyền thông, giáo dục ý thức giao thông cộng đồng để có thêm ngày càng nhiều những công dân yêu chuộng lối sống thân thiện với môi trường, biết ưu tiên chọn những phương tiện giao thông ít gây áp lực với môi trường, đồng thời giúp bản thân vận động nhiều hơn, rèn luyện sức khỏe nhiều hơn. Di chuyển bằng xe đạp ở những tuyến đường ngắn trong nội đô không phải là điều gì quá khó hình dung nếu chính quyền và nhà đầu tư dịch vụ can đảm nhận vai trò tiên phong tạo ra sự thay đổi tích cực trong lối sống giao thông đô thị. Vạn sự khởi đầu nan, nhất là khởi đầu cho một sự thay đổi về thói quen, về lối sống. Nhưng đừng vì khó mà bó tay thúc thủ không dám đề xuất thay đổi.
Chính quyền dám bắt đầu, nhà đầu tư dám bắt đầu thì sẽ có những người dân bắt đầu làm quen với thói quen mới: sử dụng xe đạp công cộng để di chuyển nội đô.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.