'Đúng' không hẳn đã 'phải'!

15/12/2020 04:38 GMT+7

Chuyện luân chuyển ông Giám đốc Sở Xây dựng bị kỷ luật cảnh cáo sang làm Giám đốc Sở GTVT được chính quyền một tỉnh ở miền Trung dẫn điều 82 luật Cán bộ, công chức nói rằng không sai quy định.

Quả thật, theo quy định này thì khi có quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương có hiệu lực, công chức không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, nhưng vẫn có thể được bổ nhiệm tương đương hoặc vào chức vụ thấp hơn. Quy định 105 của Bộ Chính trị cũng quy định tương tự: Cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên “không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất một năm”.
Việc luân chuyển cán bộ trong trường hợp vừa kể trên không sai về quy định pháp luật, nhưng tại sao lại gây phản ứng trong dư luận? Đấy là câu hỏi mà những người làm công tác tổ chức, cán bộ cần suy nghĩ.
Về lý có thể thấy rằng luật pháp thì phải công bằng, không ai bị lấy mất tất cả cơ hội, cán bộ bị kỷ luật vẫn có thể sửa sai, nên có thể làm lại và vẫn tiếp tục được sử dụng. Nhưng trên thực tế, người dân có thể đặt câu hỏi: Khi được luân chuyển làm chức vụ mới, cán bộ có đầy đủ uy tín lãnh đạo chăng? Do đó mới nói “đúng” (pháp luật) không hẳn đã là “phải” (đúng đắn, phù hợp).
Thực ra, hiện nay, việc bố trí công tác đối với những cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật mỗi nơi vận dụng mỗi kiểu. Do chưa có những hướng dẫn cụ thể nên mỗi địa phương, mỗi tổ chức bố trí cán bộ bị xử lý kỷ luật theo quan điểm của địa phương, đơn vị mình.
Theo chúng tôi, kỷ luật cán bộ, công chức bằng hình thức khiển trách, phê bình, cảnh cáo đúng là chỉ có tính chất cảnh báo, chưa “vô hiệu hóa” cán bộ. Nhưng quy định mức độ và thời hiệu với cả 3 mức kỷ luật này như nhau (không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 1 năm) là không phù hợp; cần có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn. Chẳng hạn, trong 3 mức khiển trách, phê bình, cảnh cáo, thì cảnh cáo là cao nhất. Đã cảnh cáo là cán bộ không còn đủ uy tín, thì nên phải có xử lý về mặt hành chính để giảm bớt quyền uy của họ.
Khi xem xét luân chuyển, điều động, bổ nhiệm đối với những trường hợp này lại càng phải hết sức thận trọng, cần đánh giá nhu cầu sử dụng cán bộ, uy tín của nhân sự và càng phải quan tâm đến dư luận cán bộ, đảng viên để bảo đảm nguyên tắc xây dựng đội ngũ lãnh đạo như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu “vừa hồng, vừa chuyên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.