Đừng im lặng

28/10/2018 06:37 GMT+7

Hãy đừng để sự việc xả nước rỉ bãi rác không qua xử lý của Urenco 6 ra hồ Xuân Khanh lại rơi vào im lặng giống như nghi án Urenco 7 xả nước thải phân bùn chưa qua xử lý ra sông Nhuệ hồi tháng 5.

Cảnh sát môi trường nên vào cuộc ngay sau khi cơ quan quản lý môi trường đã bắt quả tang hành vi xả nước rỉ bãi rác không qua xử lý của Urenco 6 (trực thuộc Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội) tại khu vực hồ Xuân Khanh, Hà Nội.
9 cá nhân liên quan đã được “đình chỉ công việc”, nhưng Urenco 6 vẫn đang cho rằng đây chỉ là “lỗi vận hành”.
Bãi rác Xuân Sơn là một điểm nóng về ô nhiễm môi trường của Hà Nội từ nhiều năm nay, người dân kêu trời không thấu. Không chỉ hồ Xuân Khanh, mà hồ Suối Hai, vốn là điểm du lịch của Hà Nội cũng đang bị ô nhiễm nặng nề do nằm ở hạ lưu của bãi rác này.
Hồi tháng 5.2018, phóng viên Báo Thanh Niên đã thực hiện một phóng sự ghi nhận, nước thải đen kịt chảy ra từ bãi rác, đổ qua cánh đồng Lò Than của người dân xã Tản Lĩnh, chảy xuống hồ Suối Hai. Cả một vùng hồ rộng lớn bốc mùi hôi thối, cá, ốc chết hàng loạt. Người dân xót xa nhìn cánh đồng vốn phì nhiêu, màu mỡ nay không thể trồng cấy gì được. Khi đó chính quyền địa phương, lãnh đạo Urenco 6 cũng hứa hẹn kiểm tra, xử lý, nhưng rồi mọi việc lại rơi vào im lặng.
Cơ quan cảnh sát điều tra về môi trường nên vào cuộc để làm rõ, hành vi xả thẳng nước rỉ rác ra hồ có phải chỉ là “lỗi điều hành” hay đó là cả một kế hoạch tinh vi, có chủ ý? Đã đến lúc chúng ta không thể im lặng trước cuộc sống vật vã của người dân không chỉ bị đầu độc mùi hôi thối hằng ngày mà còn mất đi kế sinh nhai. Đầu độc môi trường không chỉ gây hậu quả hiện tại mà còn di chứng lâu dài về sức khỏe, giống nòi. Hành vi ấy càng độc ác hơn khi nó được thực hiện bởi công ty quản lý về môi trường. Đó thực sự là tội phạm.
Hãy đừng để sự việc này rồi lại rơi vào im lặng giống như nghi án Urenco 7 xả nước thải phân bùn chưa qua xử lý ra sông Nhuệ hồi tháng 5. Người dân bảo có, công ty bảo không; rồi cuối cùng chả ai thấy phải điều tra làm rõ, trả lại sự công bằng cho dòng sông bị đầu độc.
Thực tế cho thấy, tội phạm về môi trường ngày càng có những diễn biến phức tạp, gia tăng, nhưng việc xử lý còn khá hạn chế. Đặc biệt, xử lý tội phạm về môi trường không tương xứng với mức độ nghiêm trọng của các vấn đề môi trường. Câu trả lời thường là: thủ đoạn phạm tội trong lĩnh vực môi trường thường rất tinh vi, rằng xác định mức độ thiệt hại cho môi trường là điều không dễ dàng, rằng bộ luật Hình sự quy định về loại tội phạm này còn nhiều kẽ hở...
Tất cả những lý do ấy đều đúng, nhưng đúng hơn nữa là con người là chủ nhân của những hành vi vi phạm môi trường tinh vi đó, con người chính là người đánh giá mức độ thiệt hại cho môi trường, con người là người xây dựng luật pháp.
Làm nghiêm hay không? Hình phạt có đủ sức răn đe hay không, suy cho cùng đều do những người được giao trọng trách xây dựng và thực thi chính sách về bảo vệ môi trường làm ra. Lý do của mọi lý do cho những im lặng đáng sợ trước thực trạng môi trường bị đầu độc chỉ là các cơ quan chức năng đã quá vô tình, quá độc ác với cuộc sống của đồng bào mình, cũng là cuộc sống của chính họ và gia đình họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.