Đừng hứa rồi thôi!

Vũ Hân
Vũ Hân
04/06/2018 04:43 GMT+7

Sau một thời gian dài việc trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành là viện dẫn văn bản và đọc báo cáo lê thê về những việc đã làm trong những năm qua, thì năm 2017 là năm “bùng nổ” của “tôi xin nhận trách nhiệm”.

Câu nói tưởng nặng tựa ngàn cân được nói ra nhẹ tựa lông hồng, vì bộ trưởng có nhận trách nhiệm cũng... chẳng sao, tựa như những lời hứa của họ trong các phiên chất vấn, dù nó được ghi hẳn hoi trong nghị quyết của Quốc hội. Khi việc thất hứa không đi kèm với hậu quả, thì chẳng ai ngại ngần gì mà không hứa. Hãy xem báo cáo giám sát việc trả lời kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp này của UBTV Quốc hội thì rõ, có những việc các bộ trưởng đã hứa từ lâu nhưng vẫn vậy.
Năm nay, có đến 43/59 đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá các bộ không quyết tâm tìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc mà cử tri nêu, chỉ “trích văn bản và trả lời cho xong”. Cử tri hỏi Thanh tra Chính phủ về việc chồng chéo chức năng thanh tra, thì được trả lời bằng việc copy lại nguyên kiến nghị. Cử tri TP.HCM bày tỏ lo lắng về nguy cơ cháy, nổ tại các khu chung cư cao tầng thì được trả lời bằng một văn bản dài những việc đã làm: chăng hơn 25.000 băng rôn, phát hơn 1 triệu tờ rơi cảnh báo cháy nổ... (hẳn là tốn không ít tiền), và xác định kiến nghị “đã giải quyết xong”. Sau đó, vụ cháy chung cư Carina (Q.8, TP.HCM) xảy ra vào cuối tháng 3 vừa qua đã cướp đi 13 mạng người.
Những kiến nghị của cử tri về việc thái độ cán bộ công chức, tham nhũng vặt, tệ lót tay đã có từ thời “ơ kìa”, lặp lại hết năm này đến năm khác. Cũng tương tự là kiến nghị về tai nạn giao thông. Bộ trưởng hứa xong rồi thì thôi, có gì xảy ra thì dân chịu.
Sau rất nhiều năm, Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của các vị bộ trưởng, trưởng ngành, nhưng lại không hề giám sát, nên các vị đó có thực hiện hay không cũng không ai rõ. Đến kỳ họp thứ 6 tới đây (tháng 10.2018), cũng là kỳ lấy phiếu tín nhiệm hơn 50 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn; Quốc hội mới lần đầu tiên nhìn nhận lại việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 6. Lúc đó, chân dung các vị bộ trưởng “hứa suông” có thể sẽ lộ diện.
Nhưng lộ diện rồi thì sao?
Trả lời Thanh Niên mới đây, chính Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải còn phải đề nghị các đại biểu Quốc hội “hãy xem chất lượng trả lời chất vấn, trả lời kiến nghị cử tri và thực hiện lời hứa của bộ trưởng như một tiêu chí để bỏ phiếu tín nhiệm trong kỳ họp tới”.
Nếu “quyền lực tối cao của nhân dân” cũng chỉ đủ để các bộ trưởng “xin nhận trách nhiệm” và để đó, thì quyền lực cũng bằng không. Cử tri còn phải đợi đến bao giờ để thấy một vị lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã nói?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.