Đừng đùa với tử thần

23/02/2017 06:33 GMT+7

Từ giữa năm 2016 đến nay, đã xảy ra 4 vụ trộm kíp nổ: 2 vụ xảy ra ở 2 mỏ đá thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, mất hơn 9.200 kíp; 2 vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, mất gần 10.000 kíp.

 Tổng cộng hơn 19.000 kíp nổ đã bị kẻ gian lấy mất, đến giờ vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Từ các vụ mất cắp, khi vào tìm hiểu thì vỡ ra không ít bất ổn trong công tác quản lý kíp nổ nói riêng và vật liệu nổ nói chung. Thậm chí có nơi quản lý… trên giấy; trong quá trình xuất kho vật liệu nổ công nghiệp và khi tiến hành nổ mìn hầu như không có lực lượng chức trách giám sát mà chỉ có doanh nghiệp tự xử lý và thể hiện trên giấy tờ, phiếu xuất kho, hộ chiếu nổ mìn...
Các cơ quan chức trách khi thanh tra, kiểm tra cũng chỉ kiểm tra trên giấy tờ là chính. Rồi cũng tại Huế, nơi gần đây xảy ra 2 vụ mất hơn 9.000 kíp nổ, thì kho chứa vật liệu nổ công nghiệp không có bảo vệ được vũ trang như quy định. Lơ là như thế, việc bị lấy trộm chẳng có gì khó hiểu.
Câu hỏi được nêu ra: Kẻ gian trộm kíp nổ để làm gì? Chúng ta đều biết, do công dụng đặc biệt ẩn chứa nguy hiểm nên kíp nổ bị quản lý rất chặt chẽ, việc mua bán phải trải qua nhiều thủ tục. Chính vì không thể mua kíp nổ dễ dàng, nên người ta mới nghĩ đến chuyện trộm nó. Có thể hình dung người xấu dùng kíp nổ vào những việc kích hoạt chất nổ để đánh bắt thủy sản trên sông hoặc biển, phá hoại các công trình công cộng, phá hoại nhà người khác do tư thù… Chưa nói đến chuyện kích nổ có chủ ý, ngay cả chuyện vận chuyển kíp nổ bằng ô tô, nhất là trên xe khách thì hiểm họa khó lường một khi nó bất chợt phát nổ.
Đêm 21.2, vụ nổ trên chiếc xe khách tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh khiến 2 người thiệt mạng, 14 người bị thương. Lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết theo kết quả điều tra ban đầu, đây là vụ nổ do vật liệu nổ gây ra, không phải do xăng hay chập điện. Đối với ngành hàng không dân dụng thì có máy kiểm tra an ninh, nhằm phát hiện chất nổ, nhưng với ngành đường sắt, đường thủy và đường bộ như VN hiện nay thì chưa thực hiện được. Đó là lý do giải thích vì sao có ai đó dễ dàng mang vật liệu nổ lên xe đò, rồi tự mình vô ý cũng có thể gieo rắc sự chết chóc.
Chính vì thế, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc truy cứu trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị đã làm mất kíp nổ; kiểm tra, kiểm soát những nơi có thể là “điểm đến” của kíp nổ; cơ quan chức năng cũng cần siết chặt quản lý các đơn vị, công ty có nhu cầu sử dụng kíp nổ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.