Đừng “đóng khung” kiến thức

05/05/2019 06:00 GMT+7

Điều quan trọng sau những câu chuyện chứng minh “ VN hiện vẫn dạynhững điều mà thế giới đã không còn quan tâm ”, là việc dạy và học ngày nay đã khác xưa rất nhiều.

Mấy chục năm trước, khi chưa có internet, thông tin không ào ạt đến với chúng ta và mọi thứ không thay đổi nhanh chóng từng ngày như bây giờ, thì kiến thức có thể được cung cấp ở dạng “đóng khung”, “ổn định”.
Thế nhưng, ngày nay làm sao chấp nhận được việc sách giáo khoa và giáo viên dạy cho học sinh về một công trình thủy điện “đang xây dựng”, nhưng trên thực tế nó đã đi vào hoạt động cả chục năm qua. Làm sao học sinh cảm thấy hứng thú khi phải vẽ biểu đồ, phân tích về tình hình dân số, kinh tế... khi tất cả các số liệu được dạy đều đã lạc hậu so với cuộc sống hiện nay? Có những khái niệm, định nghĩa đã không còn phù hợp với tình hình hiện tại nhưng vẫn bắt học sinh ghi nhớ thì làm sao mà người học chấp nhận?
Bắt phải điều chỉnh sách giáo khoa hằng năm để phù hợp với thực tế cuộc sống là điều không tưởng. Còn việc yêu cầu giáo viên phải cập nhật kiến thức cho bài giảng của mình thì đó là chuyện được chăng hay chớ, khó lòng kiểm soát. Chúng ta không tài nào dạy cho học sinh tất cả kiến thức trong từng lĩnh vực, nhất là trong một thế giới thay đổi từng ngày. Vậy thì chỉ bằng cách thay đổi tư duy trong truyền đạt kiến thức.
Đã đến lúc đừng xem kiến thức là phải ấn xuống cho học sinh một cách bắt buộc, lớp lang, bài bản mà hãy cung cấp cho học sinh những kỹ năng cần thiết để biết ứng phó, giải quyết những tình huống có thật hay những gì đang diễn ra xung quanh mình.
Đã từng có ý kiến về việc dạy kiến thức kinh tế cho học sinh lớp 11 quá sách vở, không thiết thực với cuộc sống. Với một học sinh sắp ở lớp cuối cấp THPT, lựa chọn dạy những kỹ năng, giải quyết tình huống những “bài toán kinh tế” hằng ngày từ gia đình, bản thân mình hay bạn bè trong lớp... thì chắc chắn sẽ thiết thực và thích thú hơn nhiều so với việc dạy những khái niệm như “cơ cấu kinh tế”, “thế nào là sản xuất của cải vật chất”... như hiện nay. Cũng những vấn đề này nhưng ở một số nước, họ không đi vào những khái niệm “kinh điển” mà cho học sinh thấy những vấn đề thực tiễn đang diễn ra như ngân hàng hoạt động ra sao, Chính phủ phát hành trái phiếu như thế nào, ảnh hưởng của lạm phát, thất nghiệp...?
Cũng như vậy, với câu chuyện dạy ngôn ngữ lập trình Pascal cho học sinh đang gây tranh luận mấy ngày nay. Chúng ta không thể nào dạy cho học sinh vào từng kiến thức cụ thể vì nó sẽ rất dễ lạc hậu so với sự phát triển công nghệ. Thay vì thế, cần dạy cho học sinh những kỹ năng cần thiết khi sử dụng internet cũng như những ứng dụng thiết thực phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của người trẻ...
Thay đổi cách dạy và học không theo kiểu ấn định kiến thức mà đi vào kỹ năng, cách giải quyết vấn đề vừa tránh tình trạng lạc hậu vừa giúp học sinh tìm được niềm hứng khởi với việc học. Chưa kể còn giúp chúng ta có một thế hệ trẻ có cái nhìn đúng đắn, biết phân định sai trái trước các vấn đề diễn ra trong cuộc sống hằng ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.