Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

07/10/2020 04:56 GMT+7

Hàng xóm nhà tôi, làm điều hành một hãng vận tải tư nhân với mức lương hơn 11 triệu đồng/tháng. Kể từ sau tết, do ảnh hưởng của Covid-19 , chị phải làm việc luân phiên hưởng 30% lương.

Nhưng từ đầu tháng 8, mức lương luân phiên này cũng không còn, chị phải nghỉ việc chờ... thông báo mới. Đọc báo, xem ti vi, chị cũng đã tự mình đi hỏi, nhưng được trả lời rằng trường hợp của chị không thuộc đối tượng được hưởng chính sách từ gói an sinh 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. Chị thực sự đang không biết phải xoay xở thế nào với 2 cậu con trai đang tuổi ăn tuổi học trong những tháng ngày trước mắt.

Thêm nữ du học sinh mắc Covid-19, Việt Nam có 1.098 bệnh nhân

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9 cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập, gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các con số rất lạnh lùng và có thể chưa mô tả được sự đối mặt của từng người lao động mất việc, bức tranh của từng gia đình, nhưng không thể phủ nhận, ngay cả các nước giàu có cũng đã phải thừa nhận Covid-19 tác động lên đói nghèo. Ở Việt Nam, hầu hết người dân đã vượt qua nghèo đói, nhưng nhiều hộ thoát nghèo chưa bền vững, chỉ cần đột xuất mất đi thu nhập 1, 2 tháng là trở về diện nghèo đói.
Chính vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, sau khi đã giải ngân hơn 17.000 tỉ đồng hỗ trợ cho đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, các chính sách an sinh hiện nay cần phải hướng đến đối tượng quan trọng tiếp theo là người lao động mất việc, tiểu thương thành thị mất kế sinh nhai để nhằm bảo đảm 2 việc: Người lao động duy trì mức sống tối thiểu và doanh nghiệp có chính sách giữ chân người lao động chuẩn bị cho phục hồi sau dịch.
Bộ LĐ-TB-XH mới đây đã đề xuất sửa đổi giảm bớt các điều kiện nhằm giúp người lao động, người sử dụng lao động có thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ từ gói an sinh 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. Hy vọng việc giải ngân hỗ trợ người lao động mất việc, gặp khó khăn vì Covid-19 không còn chỉ dừng lại ở tỷ lệ 1,59% như vừa qua.
Nhưng như vậy cũng chưa đủ, đây là lúc các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan bảo hiểm xã hội phải tham mưu kích hoạt việc chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc theo quy định của bộ luật Lao động 2012; chế độ trợ cấp thất nghiệp cho những người đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng.
Các chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm, chế độ hỗ trợ học nghề cũng phải được các cơ quan lao động xã hội tính toán đầy đủ, vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, vừa bảo đảm an sinh, an toàn xã hội.
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng, an sinh cho người lao động lúc này không chỉ đơn thuần là bảo vệ người dân và “cứu” doanh nghiệp mà còn có giá trị giải quyết câu chuyện lớn hơn, đó là kích cầu nền kinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.