Đừng để doanh nghiệp thêm khó

21/08/2021 08:21 GMT+7

Trước mỗi đợt siết chặt hơn về quy định giãn cách, không ít doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng lúng túng.

Chiều hôm qua, anh bạn là chủ một công ty cung ứng thực phẩm gọi điện cho người viết với sự lo lắng là chưa rõ các cách thức hoạt động khi TP.HCM áp dụng quy định giãn cách mới từ ngày 23.8 sẽ như thế nào. Anh ấy lo lắng vì chỉ còn hơn 2 ngày thì các quy định mới có hiệu lực, nhưng chưa rõ việc tổ chức phân phối sẽ thay đổi như thế nào để kịp thời lên kế hoạch thực hiện và tổ chức sản xuất cho phù hợp.

Covid-19 sáng 21.8: 323.268 ca nhiễm, 132.815 ca khỏi | Quân đội mang thực phẩm đến tận nhà ở TP.HCM

Tính từ cuối tháng 5 đến nay, người dân TP.HCM đã trải qua gần 3 tháng giãn cách với đủ mọi mức độ. Thực tế cho thấy hầu hết người dân lẫn doanh nghiệp (DN) đều nỗ lực thực hiện đúng tinh thần và nội dung các quy định giãn cách mà chính quyền đặt ra. Ngược lại, chính quyền cũng phần nào cố gắng hỗ trợ người dân cũng như DN, và cầu thị lắng nghe các góp ý để kịp thời thay đổi, giải quyết các bất cập.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là trước mỗi đợt siết chặt hơn về quy định giãn cách, không ít DN, kể cả các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung ứng hàng hóa thiết yếu, cũng rơi vào tình trạng lúng túng.
Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là việc ban hành các hướng dẫn chi tiết thường chậm hơn đáng kể so với thời điểm công bố các quy định mới về giãn cách. Đến khi có hướng dẫn chi tiết, nhiều DN rơi vào tình trạng không kịp trở tay.
Câu chuyện của anh chủ DN thực phẩm trên bị rơi vào thế lúng túng không phải lần đầu. Cách đây chưa lâu, khi cơ quan chức năng áp dụng quy định hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” (3T) quá cập rập dẫn đến nhiều DN phải “chạy không kịp thở”, thậm chí chỉ kịp thời “vá víu”, thì mới có thể đáp ứng quy định. Tương tự là vấn đề thông thương hàng hóa, sau nhiều ngày vẫn còn tồn tại các thực thi chưa thống nhất gây không ít khó khăn cho DN. Tất cả không chỉ tạo ra khó khăn mà còn tốn kém hơn cho DN. Đặc biệt, đối với các DN thực phẩm thì chỉ cần lúng túng, kéo dài quá trình vận chuyển, lưu trữ hàng hóa thì có thể bị thiệt hại nặng do hàng hóa “hết date”.
Thời gian qua, phần lớn các DN đều gặp không ít khó khăn vì dịch bệnh bùng phát. Mặc dù vậy, nhiều DN vẫn đang nỗ lực duy trì hoạt động, thậm chí chấp nhận chịu lỗ, để chung vai chung sức cùng cộng đồng.
Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần làm sao hỗ trợ để giảm thiểu thiệt hại cho các DN. Trong đó, nếu các quy định, hướng dẫn được ban hành nhanh chóng, rõ ràng và hợp lý thì không chỉ giúp DN hạn chế lúng túng, mà còn giảm đáng kể chi phí phát sinh. Những điều đó hoàn toàn nằm trong khả năng của các cơ quan hữu trách, nên đừng để các DN phải gặp khó thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.