Đừng ‘đánh trống bỏ dùi’

Vũ Hân
Vũ Hân
08/06/2018 04:51 GMT+7

Nhu cầu được chất vấn của các đại biểu đã làm tê liệt hệ thống xử lý thông tin của Quốc hội. Bằng chứng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết vào sáng 7.6, ngay trước khi Quốc hội vào thảo luận theo nghị trình.

Theo đó, chỉ trong vòng 40 phút sau giờ khai mạc chất vấn ngày 6.6, đã có gần... 8.000 lượt bấm nút đăng ký chất vấn, trong khi tổng số chỉ có gần 500 vị đại biểu (ĐB). Có những ĐB bấm đến... 492 lần, có ĐB bấm 401 lần, ĐB bấm 309 lần.
Có những thời điểm, 159 vị ĐB cùng bấm, trong khi hệ thống chỉ có khả năng tiếp nhận 80 lần, dẫn đến quá tải, treo máy; và hiện trạng là các ĐB phải lên bục chất vấn, phải bấm nhờ nhau, như cử tri và nhân dân cả nước đã được thấy trên truyền hình trực tiếp.
Nỗ lực... bấm đã cho thấy ĐB tha thiết chất vấn đến mức nào. Cũng dễ hiểu lý do vì sao, bởi chất vấn là sự kiện “đinh” của mỗi kỳ họp, là dịp để các ĐB “báo cáo” với cử tri sự hiện diện của mình, thay vì những hoạt động lập pháp vốn âm thầm, khó định lượng.
Cử tri đương nhiên muốn thấy người đại diện của mình lên tiếng, hơn là có những vị ĐB không một lần phát biểu trong cả nhiệm kỳ 5 năm.
Tuy nhiên, mấy chục triệu cử tri VN đương nhiên không bầu ra gần 500 vị “tinh hoa” đó chỉ để các vị xuất hiện trên ti vi, đọc câu hỏi hay "trình diễn" trong vòng 1 phút.
Thậm chí, có vị nặng về trình diễn đến mức, dù đã được nói đi nói lại là chỉ có 1 phút để hỏi, vẫn kiên quyết cầm văn bản dài lê thê để đọc, người điều hành phải nhắc đến 3 lần “ĐB hết giờ” mới ngồi xuống, mà cử tri vẫn chưa biết ĐB hỏi gì.
Cử tri mong muốn các vị ĐB hiện diện trong mỗi chính sách, trong mỗi quyết định lớn của quốc gia, tức là gián tiếp hiện diện trong số phận của từng người.
Mà muốn làm được việc đó, các vị ĐB chỉ nêu câu hỏi là không đủ. Trong suốt nhiều nhiệm kỳ qua, các bộ trưởng đăng đàn, hứa và xin chịu trách nhiệm, nhưng đã có ai giám sát các vị đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm lời hứa.
Có những ĐB đặt câu hỏi chất vấn xong là coi như hoàn thành nhiệm vụ “nói lên tiếng nói của cử tri”. Thế nên, có những kiến nghị cử tri nêu ra hết năm này đến năm khác vẫn không được giải quyết. Phải chăng ĐB “đánh trống bỏ dùi”, nên bộ trưởng cũng chỉ hứa rồi thôi.
Nhân dân, luật pháp đã trao cho các vị ĐB QH những quyền tối thượng để điều chỉnh xã hội, để giám sát, để đòi hỏi trách nhiệm giải trình của những người được trao quyền lực... Phần thực hiện đến đâu lại phải đợi vào việc các vị ĐB ý thức về quyền và trách nhiệm của mình như thế nào trước cử tri.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.