Dựa vào dân, đứng cùng dân

Vũ Hân
Vũ Hân
28/10/2019 06:18 GMT+7

Nếu phải trách ai, HĐND chỉ có thể trách chính mình. Khi anh không đấu tranh cho ai cả, thì anh mất đi tính chính danh, là anh tìm đường không tồn tại nữa.

“Dân chủ là con đường đi một chiều. Các thiết chế dân chủ đã sinh ra thì không thể mất đi”, một vị giáo sư già dành cả đời nghiên cứu thể chế đã nói như vậy khi tôi hỏi về việc Hà Nội thí điểm bỏ HĐND cấp phường.
“Nhưng...”, ông trầm ngâm một lát, “Hà Nội bỏ chắc cũng không hại chi cả”, dù về nguyên tắc, chỗ nào có quyền lực, chỗ đó phải được giám sát.
Vị giáo sư bị giằng xé giữa lý thuyết và thực tế.
HĐND trong lý tưởng của ông, và trong mọi lý luận về tổ chức nhà nước, là nơi người dân sẽ tìm đến, sau những sự cố như Rạng Đông, như khủng hoảng nước sạch... để gửi gắm sự bất bình, nỗi bất an, để họ thay mặt cử tri đấu tranh làm thay đổi những hiện trạng đã sai trái, lỗi thời, để những nỗi hoang mang không lặp lại lần hai.
Họ được sinh ra để làm việc đó.
Nhưng thực tế, không một sự cố nào của người dân thấy phảng phất bóng dáng của một ông bà hội đồng nào. HĐND phường dường như không làm gì ngoài xuân thu nhị kỳ ngồi biểu quyết những việc HĐND cấp trên đã biểu quyết. Mà chỉ để làm việc đó thì nuôi từng đó người là một sự tốn kém phi lý, thậm chí là gánh nặng cho ngân sách đang bội chi.
Người dân, họ không nghiên cứu lý thuyết nào về dân chủ, về quyền đại diện. Họ lập tức nhất trí với việc giảm bớt một thứ được thiết kế ra để đại diện cho quyền lợi của mình mà không cần suy nghĩ, thậm chí còn hân hoan, vì có những người đó, họ cũng chẳng được bảo vệ gì hơn, mà không có những người đó, nghe đâu còn tiết kiệm... ngân sách.
Đến cảnh này là vì đâu? Xin thưa Hiến pháp, luật pháp đều thừa nhận vai trò đại diện tối cao cho cử tri của các thiết chế dân cử (HĐND, Quốc hội). Nên nếu phải trách ai, HĐND chỉ có thể trách chính mình. Khi anh không đấu tranh cho ai cả, thì anh mất đi tính chính danh, là anh tìm đường không tồn tại nữa.
Nhiều vị đại biểu dân cử xem ra cũng ngậm ngùi về thân phận, thấy mình không có nguồn lực, thậm chí cả quyền lực như chính quyền, để thay đổi cái gì đó. Vì vậy, các vị đơn giản là không làm gì. Chẳng hiểu sao, cử tri của các vị, nhân dân mà các vị thảng hoặc trong các bài phát biểu vẫn ngợi ca sức mạnh “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” thì các vị không dựa? Không đứng cùng với cử tri - gốc rễ của mình, thì các vị quả thực không có quyền năng nào cả. Khi đứng cùng họ, thì Hiến pháp, pháp luật, và cả cử tri, cho các vị đầy đủ các quyền năng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.