Du lịch cầm cố

05/04/2013 03:15 GMT+7

Chuyện 11 cái sổ đỏ củaVườn quốc gia Phong Nha -Kẻ Bàng “được” giám đốc vườn này mang đi cầm cố để chạy dự án, là chuyện có thật, vừa mới kịp thu hồi 11 cái sổ đỏ về, nhưng cứ như chuyện... đùa của Azit Nexin, khiến mọi người cười vãi.

Chuyện 11 cái sổ đỏ của Vườn quốc gia Phong Nha -Kẻ Bàng “được” giám đốc vườn này mang đi cầm cố để chạy dự án, là chuyện có thật, vừa mới kịp thu hồi 11 cái sổ đỏ về, nhưng cứ như chuyện... đùa của Azit Nexin, khiến mọi người cười vãi. Sau “sự cố” này, ngành du lịch VN được nhiều người Việt đặt cho cái tên là “Du lịch… cầm cố”.

Không chỉ cầm cố sổ đỏ, du lịch VN thông qua Tổng cục Du lịch (TCDL) còn “cầm cố” cả danh dự quốc gia, mà chuyện trưng bày “nhầm” ảnh di tích Phật Sơn của Trung Quốc để quảng bá cho du lịch... VN ngay tại gian hàng trưng bày du lịch của VN ở Hội chợ quốc tế du lịch ITB 2013 tại Đức là một ví dụ điển hình.

Vài năm trở lại đây, số lượng du khách quốc tế chọn VN là điểm du lịch có tăng lên, nhưng rất chậm, nhất là nếu so với những điểm du lịch khác ở ngay châu Á hoặc Đông Nam Á. Nhưng Tổng cục trưởng TCDL lại luôn kêu, do thiếu tiền nên quảng bá du lịch yếu kém. Nhiều người chỉ ngay ra rằng, những nước gần ta còn “thiếu tiền” hơn ta rất nhiều, như Lào, Campuchia, Myanmar... cớ sao họ vẫn quảng bá du lịch rất tốt, và lượng khách qua hằng năm tới nước họ tăng rất đáng kể? Vả lại, du lịch được coi là ngành “công nghiệp không khói”, là “con gà mái đẻ trứng vàng”, nghĩa là bản thân nó kiếm ra được rất nhiều tiền, không chỉ đủ nuôi nó, mà còn góp phần nuôi ngân sách quốc gia. Không có chuyện nhà nước không cấp đủ tiền thì không thể quảng bá du lịch. Nhưng ngay trong chuyện cấp tiền, nhà nước đâu có eo hẹp gì với ngành du lịch. Như kinh phí nhà nước bỏ ra cho ngành du lịch vận động bầu chọn Hạ Long thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới phải nói là không hề ít. Ở Hàn Quốc, đảo du lịch Jeju cũng tự bỏ tiền lời nhờ du lịch của đảo mình để vận động danh hiệu này, và họ cũng nhận danh hiệu cùng lúc với VN. Chỉ có khác, trong năm 2012, số lượng khách du lịch tới đảo Jeju đã tăng gần 2 triệu lượt. Rất nhiều khách du lịch quốc tế đã chọn Jeju cho chương trình du lịch hằng năm của mình, nghĩa là họ “một đi thường trở lại”. Còn với điểm du lịch VN “vẻ đẹp tiềm ẩn”, rất nhiều khách du lịch quốc tế đã “một đi không trở lại”.

Cứ nhìn cảnh tượng Phật bị dán đầy những tiền là tiền, toàn là tiền... lẻ, và tiền... thật, là khách du lịch cả trong và ngoài nước đã... ớn lạnh rồi! Lại nhìn cảnh người ta chen lấn xô đẩy, ngồi cả lên đầu nhau ở lễ hội “cướp ấn đền Trần” để có được “lá bùa... mưu cầu danh lợi” là đủ rùng mình! Hay du lịch trong Lễ hội Lim mà không tìm ra... nhà vệ sinh, thì có khổ không? Nếu gọi kiểu lễ hội như thế là “quảng bá du lịch VN”, thì tốt nhất, nhà nước nên cắt hết, không cấp một đồng kinh phí nào cho những trò quảng bá kiểu này. Vì nó làm mất danh dự quốc gia, làm xấu hình ảnh VN, nhất là trong mắt người nước ngoài.

Đó có thể coi là những hoạt động du lịch kiểu “cầm cố”, để mong “lấy mỡ nó rán nó” mà ngành du lịch đang làm, bất chấp mọi tai hại.

Thanh Thảo

>> Phong Nha - Kẻ Bàng cần “kỳ nghỉ phép”
>> Phát hiện nhiều hang động mới tại Phong Nha - Kẻ Bàng
>> Sẽ có casino tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
>> Hàng trăm hộ dân bị “treo” sổ đỏ
>> 70 trường hợp chưa bàn giao sổ đỏ
>> Ai giữ sổ đỏ Vườn quốc gia Cát Tiên ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.