Đột phá

25/07/2012 03:20 GMT+7

Kinh tế Việt Nam cần tạo ra 3 nhóm đột phá chính: đột phá về văn hóa, đột phá về chiến lược, và đột phá về thể chế quản lý kinh tế. Chúng ta thường chú ý nhiều đến các vấn đề thuộc về thể chế quản lý kinh tế, nhưng chính các yếu tố về văn hóa và chiến lược mới tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài và bền vững cho một nền kinh tế.

Một quốc gia giàu mạnh không thể không có một khát khao giàu mạnh và hạnh phúc của các công dân được thể hiện thành một nền văn hóa đầy khát vọng đua tranh và gây ảnh hưởng với thế giới, mà một phần trong đó được biểu hiện thành văn hóa kinh doanh. Sở dĩ một quốc gia nhỏ bé như Israel có khả năng gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên thế giới là vì sức mạnh của văn hóa. Mỗi công dân Israel đều là "nhiều trong một" với sự cần cù của nông dân, tính kỷ luật của công nhân, yêu chuộng tri thức, tinh thần kinh doanh và tinh thần chiến binh.  

Đột phá về chiến lược tốt nhất có thể được chia thành nhóm ngành có ý nghĩa nền tảng, hấp thu, và phát triển. Nhóm Nền tảng là nông nghiệp và dưỡng sinh (được hiểu là một giải pháp tổng thể nhằm bảo vệ và duy trì sức khỏe, công nghệ dược phẩm phương Đông chỉ là một phần trong đó). Đây là những nhóm ngành VN vừa có lợi thế, có truyền thống và thế giới đang rất cần với nhu cầu ngày càng cao về lương thực và sức khỏe. Cần dịch chuyển sự quan tâm và đầu tư của toàn dân và quốc tế vào phát triển nhóm ngành này. Nhóm Hấp thu gồm 3 cặp lĩnh vực trọng yếu: công nghiệp chế biến cao và năng lượng; dịch vụ vận chuyển và cơ sở hạ tầng, thương mại và tài chính. Đây là các ngành, các lĩnh vực được coi là thiết yếu đối với nền kinh tế nhưng VN chưa có đủ kinh nghiệm và truyền thống thực hiện nên cần phải đi ngay lên các phân đoạn cao, vào các công nghệ chọn lọc để tránh việc trở thành bãi thải công nghệ, tránh mắc các bẫy phát triển, bẫy đầu tư và tài trợ, bẫy sát thủ kinh tế. Nhóm Phát triển là các ngành nghề mà tương lai thế giới cần mà VN có các nền tảng rất mạnh như công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, du lịch và dịch vụ theo hướng kinh tế xanh và văn hóa là các lựa chọn cụ thể của nhóm ngành này.

Cuối cùng là thể chế. Thể chế phải tạo điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển các ngành kinh tế chiến lược mũi nhọn, thúc đẩy sức mạnh của văn hóa kinh doanh, phục vụ nhu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước, và đồng thời phải tương thích với nền kinh tế của khu vực và thế giới. Để tạo ra đột phá, cần tạo ra các đặc khu mở có tính quốc tế hóa và ASEAN hóa cao với những ưu đãi tối đa về chính sách để thu hút đầu tư từ khu vực và thế giới nhằm phát triển các ngành, các lĩnh vực nằm trong lựa chọn chiến lược tốt nhất của VN. Các khu vực như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, và rất nhiều địa bàn khác đều rất thuận lợi để tạo ra các đặc khu kinh tế mở như vậy.

Một khi có tư duy chung, tầm nhìn chung để ứng phó với những mối nguy chung và cùng hướng đến thành công chung; các chiến lược phát triển đúng đắn và các hành động đột phá vượt thoát khỏi những bế tắc, khó khăn, và thách thức sẽ được diễn ra rộng khắp. Sự thay đổi đó có thể đến từ từng người dân, từng doanh nghiệp, từng chuyên gia và học giả kinh tế; đến từ sự thay đổi có hiệu quả của Nhà nước và Chính phủ, từ sức hấp dẫn của VN để tái thu hút và thu hút mạnh mẽ các nguồn lực hàng đầu của thế giới. Như vậy, VN vẫn có đầy đủ cơ hội và điều kiện để phát triển mạnh mẽ.

Đặng Lê Nguyên Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.