Đồng lõa hay thiếu năng lực ?

06/03/2019 04:36 GMT+7

Không chỉ là một vài món đồ bị mất cắp, đó chính là thể diện của quốc gia. Không xử lý triệt để chuyện này hoặc là đồng lõa, hoặc thiếu năng lực.

"Chọn chiếc va li nào cũ nhất để tránh gây chú ý", "dùng băng keo niêm phong khóa, phéc-mơ-tuya... để hạn chế rủi ro bị rạch hoặc nạy khóa va li"; "quấn màng ni lông nhiều lần ở ngoài, bọc những đồ đắt tiền ở giữa quần áo"... là những "bí kíp" mà hành khách nói chung và đặc biệt là giới Việt kiều nói riêng "nằm lòng" nhằm phòng chống trộm cắp hành lý khi đi qua một số cảng hàng không như Tân Sơn Nhất, Nội Bài...
Đáng nói là chuyện xấu hổ này đã tồn tại nhiều thập niên. Mỗi lần bị dư luận phản ứng dữ dội thì chìm xuống nghe ngóng vài bữa, thấy "êm êm" rồi lại tiếp tục. Các cụ nói "ăn cắp quen tay" quả không sai. Nhưng cái sai lớn nhất là các cơ quan có thẩm quyền liên quan lại tỏ ra bất lực để cho kẻ cắp tiếp tục hành nghề một cách công khai, để cho rạch túi trộm đồ ở cửa ngõ của đất nước trở thành bệnh mãn tính.
Sai hơn nữa là mỗi lần có chuyện, khi "truy xuất nguồn gốc" vấn đề thì chính các vị lãnh đạo có trách nhiệm thường đổ lỗi cho máy móc của ta chưa hiện đại bằng sân bay nước này, nước kia thay vì truy xuất kíp trực, truy xuất những người có "tiền sử" để xảy ra mất đồ của khách trong ca trực của mình, rà soát lại quy trình, làm sáng rõ những khoảng mờ trong dây chuyền…
Máy móc không biết nói năng, đổ cho máy móc thì huề cả làng. Nhưng xin thưa máy móc cũng do con người chế tạo, lắp đặt, quản lý, theo dõi... Trên cả quy trình đường đi của hành lý, chỗ nào cũng có người và máy kiểm soát. Hành lý có thể bị rạch ở đâu, bộ phận nào có thể rạch đều rõ ràng mà không xử lý được thì họa là có sự dung túng, thậm chí đồng lõa, ngại va chạm, “bứt dây động rừng”… chứ làm gì có chuyện vô lý như vậy. Phải nhắc lại là chuyện mất cắp xảy ra ở một kíp trực có vài con người chứ không phải ở nơi công cộng đông đúc để nói không tìm ra được thủ phạm, không thể dẹp được.
Thay vì truyền miệng, giờ chuyện bị mất cắp tại sân bay ở VN đã lan truyền khắp trên mạng. Đây cũng không phải là việc có thể "đóng cửa bảo nhau" bởi sân bay là cửa ngõ của đất nước... Vì thế, chuyện mất cắp không thể cứ đổ lỗi cho "mấy ông bốc xếp", đổ lỗi cho các "điểm mù" camera không tới được mà phải truy trách nhiệm và năng lực của lãnh đạo cảng vụ, thậm chí lãnh đạo của Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải...
Đặt trường hợp để xảy ra chuyện va li của khách bị rạch, bị mất cắp đồ thì từ người đứng đầu kíp trực cho tới Cục trưởng Cục Hàng không đều phải chịu trách nhiệm, chắc chắn tình trạng này sẽ giảm ngay lập tức. Nói thế để thấy, việc chấm dứt tình trạng này là hoàn toàn có thể thực hiện được. Nó phụ thuộc vào ý chí của người lãnh đạo có thật sự muốn làm hay không.
Không chỉ là một vài món đồ bị mất cắp, đó chính là thể diện của quốc gia. Không xử lý triệt để chuyện này hoặc là đồng lõa, hoặc thiếu năng lực. Mà thể diện quốc gia không thể đưa vào tay những người đồng lõa hoặc thiếu năng lực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.